Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, giá dầu châu Á đi xuống

12:31' - 02/09/2019
BNEWS Vào lúc 10 giờ 24 phút (theo giờ Việt Nam) phiên 2/9, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 27 xu Mỹ (0,5%) xuống 58,98 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2 xu Mỹ xuống 55,083 USD/thùng.
Giá dầu châu Á giảm trong phiên ngày 2/9 . Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 2/9, giá dầu châu Á giảm sau khi mức thuế mới do Mỹ và Trung Quốc áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau có hiệu lực đã làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như ảnh hưởng bất lợi tới nhu cầu dầu thô trên thế giới.
Vào lúc 10 giờ 24 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 27 xu Mỹ (0,5%) xuống 58,98 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2 xu Mỹ xuống 55,083 USD/thùng.
Mỹ bắt đầu áp mức thuế 15% đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc kể từ ngày 1/9, gồm có giày dép, đồng hồ thông minh, ti-vi màn hình phẳng…, trong khi Trung Quốc áp đặt mức thuế bổ sung 5% đối với dầu thô Mỹ. Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra những mức thuế mới đối với hàng hóa của nhau đã đẩy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo lên một nấc thang mới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington và Bắc Kinh sẽ có cuộc đàm phán vào cuối tháng Chín này. Trên mạng xã hội, ông Trump cho hay mục tiêu của ông là giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các công ty Mỹ tìm nhà cung cấp thay thế ngoài Trung Quốc.
Một khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu mỏ của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng mạnh trong tháng Tám vừa qua. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2019 nguồn cung năng lượng từ các thành viên OPEC Iraq và Nigeria tăng mạnh, gây áp lực cho nỗ lực hạn chế sản lượng của Saudi Arabia cũng như thiệt hại về xuất khẩu của Iran – nước chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, xuất khẩu của Hàn Quốc sụt giảm trong tháng Tám và là tháng giảm thứ chín liên tiếp do nhu cầu của khách hàng lớn nhất - Trung Quốc giảm, cũng như giá chip máy tính – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc giảm mạnh.
Số liệu kinh tế ảm đạm của Hàn Quốc còn được gia tăng “xứ sở kim chi” đang có tranh chấp thương mại với Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng cao./.
>> Dầu thô Mỹ khép lại tuần giao dịch khởi sắc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục