Canada có thể là nước cuối cùng phê chuẩn NAFTA phiên bản mới

09:40' - 18/12/2019
BNEWS Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự báo Canada có thể là nước thành viên cuối cùng phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một phát biểu ngày 17/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau dự báo Canada có thể là nước thành viên cuối cùng phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, do các nhà lập pháp của Canada tới ngày 27/1/2020 mới quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Đông.
Chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau trước đây đã bày tỏ ý định “song hành” cùng Mỹ trong việc chính thức phê chuẩn NAFTA 2.0, mà phía Mỹ gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Hiệp định này có tên là CUSMA tại Canada, trong khi truyền thông Mexico gọi là “T-MEC”.
NAFTA 2.0 đã được lãnh đạo ba nước Mỹ, Mexico và Canada ký kết năm 2018 và tuần trước hiệp định này đã được các bên nhất trí về các điều khoản sửa đổi.

Mexico đã phê chuẩn Hiệp định, trong khi Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua Hiệp định vào ngày 19/12 tới.
Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau đã để mất thế đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười vừa qua và sẽ phải cùng với các đảng đối lập thúc đẩy thông qua Hiệp định.

Tuy nhiên, ông tin tưởng chính phủ thiểu số của mình sẽ có được đủ phiếu để phê chuẩn NAFTA 2.0.

Eleanore Catenaro, người phát ngôn của Thủ tướng Trudeau, đã từ chối bình luận về việc liệu ông Trudeau có triệu tập các nghị sĩ quay trở lại làm việc trước lịch trình tháng 1/2020 hay không.
Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Mới, ông Jagmeet Singh, đánh giá NAFTA phiên bản mới đã có những tiến bộ trong những lĩnh vực chủ chốt, nhưng đảng của ông vẫn chưa quyết định liệu có ủng hộ hiệp định này tại Hạ viện hay không.

Ông dự kiến sẽ tham vấn thêm ý kiến của người lao động trong những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng bởi NAFTA 2.0.

Ông chia sẻ, bất cứ một hiệp định thương mại nào mà Canada ký kết cũng phải đem lại lợi ích cho người lao động Canada, chứ không chỉ có lợi cho giới lãnh đạo của các tập đoàn hùng mạnh. Nếu không đáp ứng được mục tiêu này, đó không phải là một thỏa thuận nên thúc đẩy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục