Cần Thơ: Khuất tất trong kê khai thành tích hưởng chế độ chính sách

11:21' - 30/10/2017
BNEWS Dù không tham gia hay có đóng góp gì cho cách mạng nhưng một số trường hợp ở quận Ô Môn lại được hưởng chế độ chính sách đã gây bức xúc trong dư luận.

Dù không tham gia hay có đóng góp gì cho cách mạng nhưng một số trường hợp ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ lại được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 290); điều này đã gây bức xúc trong dư luận.

Qua tiếp cận hồ sơ, trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng, các đối tượng có liên quan cho thấy có khuất tất trong việc kê khai để hưởng chế độ chính sách cần phải được làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những trường hợp trên gồm các ông: Huỳnh Văn Long (sinh năm 1949), Phan Văn Phước (sinh năm 1953, cùng ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn) và L.V.C (đã mất).

Cả ba trường hợp đều đã nhận tiền chế độ chính sách theo Quyết định 290 trong năm 2014 và 2015.

Ông Long và ông Phước hiện là trưởng khu vực và là đại biểu Hội đồng nhân dân phường Thới Hòa (trước năm 1975, phường Thới Hòa thuộc xã Thới An, huyện Ô Môn).

Sau khi tiếp cận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ một lần theo Quyết định 290 của các đối tượng, phóng viên phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.

Cụ thể, theo bản khai cá nhân và xác nhận của những người biết quá trình tham gia hoạt động của ông Long và ông Phước (được UBND phường chứng thực), cả hai ông Long, Phước đều tham gia đội “du kích mật” ấp Thới Hòa, xã Thới An, huyện Ô Môn trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến ngày 30/4/1975.

Riêng ông Long còn kê khai, trước đó vào tháng 2/1965, khi mới vừa tham gia lực lượng du kích, ông đã là đội phó đội “du kích mật” của xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn.

Xác nhận quá trình tham gia hoạt động của ông Long và ông Phước gồm có các ông: Huỳnh Văn Bồi (sinh năm 1954, được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba, năm 1998.

Ông Bồi tự nhận là đội trưởng “đội du kích mật” ấp Thới Hòa, xã Thới An khi mới 17 tuổi); Huỳnh Văn Bảy (cha ruột ông Huỳnh Văn Bồi); Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1934, tự khai trước năm 1975 là cán bộ xã Thới Thạnh).

Qua xác minh cho thấy: từ năm 1970 đến năm 1975, thực tế ở xã Thới An không hề có lực lượng du kích hoạt động, lại càng không có “đội du kích mật” nào trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Bồi cho biết: Ông tham gia du kích năm 1967 (lúc mới 13 tuổi), đến năm 1971 (17 tuổi) được Bí thư chi bộ xã Thới An lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Minh Kha phân công làm đội trưởng “đội du kích mật” ấp Thới Hòa của xã.

Đội du kích gồm 13 lực lượng, trong đó có ông Long, ông Phước, ông LVC và một số người khác. “Những người trong đội du kích đều do tôi xác nhận và đều đã được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 290 và được nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến”, ông Bồi nói.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa kê khai từ năm 1964 - 1966, ông là trưởng công an xã Thới Thạnh. Xác nhận quá trình tham gia hoạt động cho ông Long, ông Nghĩa khẳng định: Từ tháng 2/1965 đến tháng 4/1971, ông Long là đội phó đội “du kích mật” của xã do ông lãnh đạo, điều hành công tác.

Đến tháng 5/1971, ông Nghĩa được phân công giữ chức Bí thư chi bộ xã, nhận được chỉ thị của Huyện ủy, ông Nghĩa chuyển ông Long về phối hợp công tác tại đội du kích mật ấp Thới Hòa, xã Thới An.

Còn ông Huỳnh Văn Bảy thừa nhận, sở dĩ ông biết quá trình tham gia du kích của ông Phan Văn Phước là do thấy Phước có liên hệ với Huỳnh Văn Bồi làm nhiệm vụ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Kha, cán bộ hưu trí, người được ông Bồi khai đã phân công ông làm đội trưởng “đội du kích mật” thẳng thắn cho biết: Bà là Bí thư chi bộ xã Thới An giai đoạn 1971 - 1973, là đầu mối lãnh đạo địa phương thời điểm đó, bí mật “nằm vùng” ngay tại ấp Thới Hòa.

Bà khẳng định thời điểm đó trên địa bàn không hề có “đội du kích mật”, bà cũng không hề tiếp nhận du kích từ xã khác chuyển về.

Xã Thới An lúc bấy giờ là “vùng trắng” đối với các lực lượng cách mạng, địch kiểm soát hoàn toàn, ngay cả cán bộ quân sự xã cũng phải về vùng căn cứ ở xã Trường Thành, nắm tình hình từ xa.

Đồng ý với ý kiến của bà Nguyễn Thị Minh Kha, ông Lý Hữu Hồ (trước năm 1975 là cán bộ văn phòng huyện đội Ô Môn, sau đó là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, trước khi nghỉ hưu là Chủ tịch UBND huyện Ô Môn) xác nhận: Thời điểm đó xã Thới An bị địch kiểm soát hết, không có lực lượng nào trụ nổi. Ông Hồ cũng chưa từng nghe xã Thới An có đội “du kích mật” và toàn huyện lúc ấy chẳng có ai mới 17 tuổi đã được giao nhiệm vụ đội trưởng du kích.

Để có thêm thông tin đa chiều, phóng viên tiếp tục liên hệ với các ông Huỳnh Văn Bồi, Huỳnh Văn Long và những người có liên quan.

Thật bất ngờ, ông Bồi cho rằng tuy mình chỉ là đội trưởng đội “du kích mật” nhưng lại được Huyện ủy Ô Môn chỉ thị thực hiện nhiệm vụ. Ông Long thì không biết Bí thư chi bộ xã, người lãnh đạo cao nhất của mình lúc bấy giờ là ai.

Ông Đồng Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thới Hòa, người trực tiếp ký biên bản xét đề nghị hưởng chế độ chính sách cho ông Long và ông Phước thừa nhận: “Tôi thấy biên bản hội nghị liên tịch đã được thông qua, chi hội cựu chiến binh khu vực xem xét rồi thì ký thôi. Tôi nhập ngũ năm 1997, xuất ngũ năm 1999 nên làm sao nắm được thành tích kháng chiến của các chú, các bác”.

Tương tự, ông Lê Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Hòa (ông Duy hiện là cán bộ Văn phòng UBND quận Ô Môn) cũng cho rằng trên cơ sở các quy trình, thủ tục đã hoàn tất (xét từ dưới lên), ông thay mặt UBND phường ký công văn xác nhận, đề nghị hưởng chế độ cho các đối tượng gửi lên cấp trên xem xét.

Một điều kỳ lạ nữa là trong công văn số 64 ngày 30/8/2013 của UBND phường Thới Hòa đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết việc hưởng chế độ chính sách cho ông Huỳnh Văn Long do ông Lê Duy ký, trong phần “Kính gửi” thì nơi công văn này được gửi đến lại được ghi là UBND phường Thới Hòa.

Đối với trường hợp ông Phan Văn Phước, trong biên bản hội nghị liên tịch (gồm đại diện khu vực, chi bộ Đảng, chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi, cán bộ lão thành cách mạng) và biên bản hội nghị Ban chấp hành cựu chiến binh phường về việc xem xét đề nghị hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 290 cho ông Phước đều được thông qua trong ngày 25/7/2014.

Tuy nhiên, bản khai cá nhân của ông Phước lại ghi ngày 30/7/2014. Qua đối chiếu, rõ ràng cuộc họp xem xét đề nghị của ông Phước lại được tiến hành trước khi ông này viết bản khai cá nhân trước 5 ngày.

Trong khi đó, công văn xác nhận và đề nghị đối tượng hưởng chế độ cho ông Phước của UNND phường Thới Hòa gửi Hội đồng chính sách quận Ô Môn không ghi rõ mốc thời gian.

Còn tại hồ sơ của ông Huỳnh Văn Long, từ bản khai cá nhân đến các biên bản có liên quan cùng giấy xác nhận của những người biết quá trình tham gia hoạt động của đối tượng đều có nét chữ giống nhau.

Đáng chú ý, ngày 29/8/2013, biên bản hội nghị liên tịch được thông qua; ngày 30/8/2013, biên bản hội nghị Ban chấp hành cựu chiến binh phường cũng được thông qua.

Đặc biệt, ngay trong ngày 30/8/2013, UNND phường Thới Hòa đã có công văn xác nhận, đề nghị đối tượng hưởng chế độ cho ông Long gửi lên hội đồng chính sách quận, sau khi đã tiến hành “niêm yết, thông báo danh sách đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân địa phương”.

Có thể thấy, ngoài việc hồ sơ đề nghị hưởng chế độ một lần theo Quyết định 290 của các đối tượng có nhiều điểm bất thường, nội dung kê khai của những người xác nhận quá trình hoạt động cho các đối tượng cũng có nhiều dấu hiệu khuất tất.

Đây là những trường hợp gây nên nhiều bức xúc trong nhân dân địa phương, cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ cần sớm xác minh, làm rõ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục