Cán bộ thú y phải tới từng vùng nuôi trọng điểm nắm bắt tình hình dịch bệnh

15:04' - 07/08/2018
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật ngành thú y trực tiếp đến từng vùng chăn nuôi trọng điểm để nắm bắt tình hình dịch bệnh.

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Cúm gia cầm có khả năng lây lan trong thời gian tới. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, nhiều địa phương lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật do sau một thời gian dài dịch, bệnh ít xuất hiện...

Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nên trên, đặc biệt là để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát vào các tháng cuối năm, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực tiếp đến từng vùng chăn nuôi trọng điểm để nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt việc phòng, chống dịch bệnh;

Tập trung vào các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại ở động vật.

Đồng thời, tổ chức chủ động lấy giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh; trong đó có cơ sở cho việc lựa chọn các loại vắc xin phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử độc tiêu trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh theo quy định.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chấn chỉnh hoạt động thú y, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã; khắc phục những bất cập trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Bao gồm: chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; phòng bệnh bằng vắc xin kịp thời, trước thời điểm có nguy cơ cao xuất hiện các loại dịch bệnh; kiểm dịch vận chuyển ra, vào địa bàn...

Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018", nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 10/8/2018 đến hết ngày 10/9/2018.

Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y, cả nước hiện có 3 ổ dịch cúm A/H5N6 chưa qua 21 ngày tại xã An Hưng và xã An Hồng thuộc huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; xã Diễn Liên thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời...

Đối với dịch lở mồm long móng, Cục Thú y nhận định, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

Cục Thú y cũng lưu ý, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch tai xanh nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

Do vậy, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục