Campuchia kỳ vọng vào "đại nhảy vọt" nhờ công nghệ 5G Trung Quốc

06:30' - 13/09/2019
BNEWS Cuộc đua khai trương các dịch vụ mạng viễn thông 5G tại Campuchia đang nóng lên từng ngày khi một loạt nhà mạng lớn liên tục giới thiệu các trạm 5G với mức đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.
Một gian hàng của ZTE tại Hội chợ công nghệ cao Trung Quốc, Thâm Quyến. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Smart Axiata, công ty con của tập đoàn Axiata có trụ sở tại Malaysia, hay Cellcard - công ty viễn thông thuộc tập đoàn Campuchia Royal Group - đang hy vọng sẽ dẫn đầu khu vực ASEAN nhờ việc triển khai các dịch vụ thương mại 5G vào cuối năm 2019.

*Không muốn tụt lại phía sau

Giám đốc điều hành Smart Axiata, ông Thomas Hundt cho biết, các thiết bị trong dự án 5G của Smart được lắp đặt tại thủ đô Phnom Penh và những cuộc thử nghiệm thực tế gần như đã hoàn tất. Trong cuộc phỏng vấn của báo Nikkei (Nhật Bản), ông Thomas Hundt xác nhận Smart sẽ sử dụng công nghệ thế hệ mới của Huawei, hãng hỗ trợ thiết bị cho mạng 4G hiện tại của Smart.

Công ty viễn thông này đặt mục tiêu khởi động các dịch vụ thương mại 5G ngay khi nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ Campuchia. Giám đốc Thomas Hundt tự tin: “Chúng tôi sẽ là quốc gia đầu tiên tại ASEAN khai trương mạng 5G”. Lãnh đạo nhà mạng Smart Axiata thông báo công ty sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công nghệ 5G trong vòng 3-5 năm tới.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cellcard Ian Watson công bố giai đoạn đầu tiên của đơn vị này là đặt 500 trạm phát 5G trải khắp Phnom Penh, Sieam Reap và Sihanoukville. Với những gì đã triển khai, ông Ian Watson cho biết dịch vụ 5G của Cellcard sẽ được khai trương trong tháng 12/2019 với việc lựa chọn ZTE là đối tác cung cấp thiết bị đầu tiên. Cellcard sẽ tăng dần số trạm 5G lên con số 2.000 trên khắp cả nước Campuchia vào năm tới.

Theo kế hoạch, Cellcard sẽ đầu tư 200 triệu USD vào mạng 5G trong vòng 18 tháng tới và sẽ sử dụng cả công nghệ của Nokia cho việc mở rộng mạng 5G ở các vùng nông thôn Campuchia. Tuy nhiên, ông Ian Watson cũng thừa nhận rằng việc triển khai thương mại dịch vụ này bên ngoài các khu vực đô thị Campuchia vẫn còn khá yếu.

Giám đốc điều hành Cellcard quả quyết: “Tôi cho rằng trong vòng từ 3-5 năm tới, chúng tôi bắt đầu thu về lợi nhuận từ khoản đầu tư này. Vấn đề là ở chỗ, nếu không đầu tư, bạn sẽ bị tụt lại phía sau”.

Các động thái trên diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều sự hoài nghi về vai trò cung cấp mạng 5G của hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc này trên khắp thế giới.

Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nước khác loại Huawei ra khỏi kế hoạch xây dựng hạ tầng 5G vì những quan ngại công nghệ của hãng này có thể được sử dụng làm gián điệp cho Bắc Kinh, một cáo buộc mà Huawei luôn bác bỏ. Nhật Bản và Australia trên thực tế đã “đóng cửa” với công ty Trung Quốc này trong khi một số nước châu Âu đã tỏ ra thận trọng trong việc hợp tác với Huawei.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Smart Axiata, ông Thomas Hundt cho rằng Smart đã cân nhắc các quan ngại về an ninh và thấy rằng “xét một cách toàn diện, gồm các yếu tố kỹ thuật, hỗ trợ hệ thống và chi phí, Huawei vẫn là lựa chọn tốt nhất”.

Liên quan tới vấn đề này, Marc Einstein - chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ ITR có trụ sở tại Nhật Bản - cho rằng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Phnom Penh và Bắc Kinh chính là nhân tố đóng góp vào sự thành công của Huawei tại Campuchia. Và điều quan trọng hơn, theo vị chuyên gia này, Huawei có thể cung cấp thiết bị với giá rẻ hơn các đối thủ châu Âu.

Các dịch vụ 5G hiện đã có mặt tại một số vùng ở Mỹ, Hàn Quốc và các thị trường châu Âu trong khi mạng siêu tốc độ này dự kiến được ra mắt tại một số thành phố lớn của Trung Quốc trong năm nay. Dịch vụ 5G sẽ chưa đi vào hoạt động ít nhất là trong năm 2020 tại nhiều nước phát triển và phần lớn khu vực Đông Nam Á.

Dù là quốc gia xuất phát chậm hơn về phát triển kinh tế trong khối ASEAN, nhưng Campuchia đặt mục tiêu là nước đầu tiên trong khu vực đưa mạng viễn thông siêu tốc độ này đi vào hoạt động với mong muốn tạo cú hích trong ngành công nghệ số.

Chuyên gia Marc Einstein nhận định rằng việc nhà mạng Campuchia sớm thông qua dịch vụ 5G là tín hiệu tốt, nhưng sẽ phải mất “vài năm” để đa số khách thuê bao có thu nhập trung bình sử dụng được mạng siêu tốc độ. Ông Marc Einstein phân tích: “Đó có thể là dịch vụ thương mại đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng trong nhiều tháng tới, nó không phải là duy nhất.”. Ông cũng nói thêm rằng công nghệ mới sẽ giúp Campuchia  có bước “nhảy vọt” so với các dịch vụ mạng hữu tuyến nghèo nàn của quốc gia này.

Nhà phân tích Sofea Zukarnain thuộc hãng công nghệ Frost & Sullivan ITC cho rằng Campuchia vẫn cần phải tăng cường mạng cáp quang của nước này để hỗ trợ việc mở rộng mạng 5G. Chuyên gia hãng Frost & Sullivan ITC phân tích: “Để đảm bảo hoạt động bền vững của mạng 5G, cần có đường truyền mạnh và ổn định.

Tại Campuchia mới chỉ có khoảng 137.000 đường kết nối cáp quang (số liệu năm 2018) do chi phí thuê kênh riêng khá đắt, lượng khách cá nhân và doanh nghiệp sử dụng ít và người sử dụng có xu hướng chuộng kết nối Internet không dây. Cáp quang rất quan trọng trong những giai đoạn đầu của mạng 5G”.

Cả Cellcard và Smart đều tuyên bố tiếp tục đầu tư cho mạng 4G hiện tại. Theo một báo cáo gần đây của Open Signal về thị trường Campuchia, mạng Smart có chất lượng 4G ổn định nhất, với tỷ lệ tín hiệu 4G đạt hơn 80% trong một thời gian, trong khi Cellcard và Metafone lần lượt đạt 75% và 78%.

Dù vậy, tốc độ truyền dẫn dữ liệu tại Campuchia khá chậm, chỉ đạt dưới 10 megabits/giây dù sóng mạng 4G khá tốt.

Báo cáo nhấn mạnh: “Giống như nhiều nước ASEAN, Campuchia dường như tập trung nhiều vào nỗ lực mở rộng mạng 4G cho các kết nối băng thông rộng, thay vì tập trung vào tốc độ dữ liệu truyền tải. Nói chung, Campuchia đạt quy mô phủ sóng 4G hơn nhiều quốc gia châu Âu theo phân tích toàn cầu”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục