Cải tiến chính sách về quản lý đấu thầu qua mạng

12:09' - 08/08/2018
BNEWS Diễn đàn cấp quốc gia về đấu thầu qua mạng lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các bên nhìn lại quá trình triển khai đấu thầu qua mạng, chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018.Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN.

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn đấu thầu qua mạng 2018.
Đây là diễn đàn cấp quốc gia về đấu thầu qua mạng lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các bên nhìn lại quá trình triển khai đấu thầu qua mạng, chia sẻ bài học kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về lợi ích và ứng dụng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS), từ đó đề xuất ý kiến để hoàn thiện và cải tiến chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của hệ thống trong tương lai.
Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, cho đến nay, số lượng bên mời thầu và nhà thầu tích cực sử dụng hệ thống đã tăng đáng kể. Chỉ trong 7 tháng năm 2018, đã có gần 9.000 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và dự kiến, đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 15.000 gói thầu thực hiện qua mạng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mặc dù kết quả bước đầu đã đạt được rất khả quan, song để phát triển hình thức đấu thầu qua mạng, nhiệm vụ đặt ra đối với đấu thầu qua mạng còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đào tạo, nâng cao năng lực, tuyên truyền phổ biến đến các đối tượng tham gia, tăng cường đầu tư để hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật hệ thống.
Từ góc độ chuyên gia, ông Alexander For, chuyên gia đấu thầu cao cấp, ADB chia sẻ, ADB đặc biệt khuyến khích Việt Nam hiện đại hóa hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia; đồng thời, cùng với WB sẽ hỗ trợ mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cải tiến và thúc đẩy việc thực hiện đấu thầu qua mạng thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia Việt Nam.
Sau khi thử nghiệm thành công một số gói thầu trong dự án của 2 ngân hàng trên hệ thống VNEPS, ADB và WB sẽ nhân rộng việc thực hiện đấu thầu qua mạng cho các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước trong các dự án có sử dụng nguồn vốn của ADB và WB.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là nền tảng cốt lõi, nơi diễn ra toàn bộ quy trình từ đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và hồ sơ mời thầu, nhận hồ sơ dự thầu, đến thông báo kết quả trúng thầu.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia giúp nâng cao tính công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng và hiệu quả trong đấu thầu.

Tỷ lệ tiết kiệm đạt được trong đấu thầu qua mạng lên tới 9% khi các thao tác được thực hiện hoàn toàn qua mạng, đấu thầu qua mạng giúp các bên tham gia tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân sự thực hiện đấu thầu.
“Đặc biệt, đấu thầu qua mạng có thể giảm thiểu các hành vi tiêu cực như: gian lận, thông đồng hay cản trờ xảy ra trong hoạt động đấu thầu. Khi tham gia đấu thầu qua mạng, thông tin về số lượng, danh tính các nhà thầu nộp thầu đều được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm mở thầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Dưới góc độ của các địa phương và các doanh nghiệp đều cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu qua mạng đã tiết kiệm được nhiều chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp, và đấu thầu qua hình thức này các nhà thầu được tham gia đấu thầu một cách công bằng, công khai và minh bạch; đặc biệt, ước giảm tới 3-5% chi phí cho mỗi gói thầu.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, hầu hết các ý kiến cho rằng, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về kỹ thuật.
Để phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước mắt, cần thay đổi nhận thức, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị để tham gia đấu thầu; đồng thời, sẽ hoàn thiện và cải tiến chính sách về quản lý, công nghệ và hoạt động của hệ thống để có khung pháp lý hoàn chỉnh phù hợp thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, ngay trong quý III/2018, Cục Quản lý đấu thầu sẽ mẫu hóa trên hệ thống; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của nhà thầu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến các sản phẩm đấu thầu qua mạng… Phấn đấu mục tiêu đến cuối năm 2018, 40% gói thầu sẽ được tham gia đấu thầu qua mạng; và năm 2025 là hơn 70% gói thầu.
Cục Quản lý Đấu thầu cũng cho biết, nhằm thúc đẩy sự phát triển của đấu thầu qua mạng, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ 01/03/2018 với nhiều điểm đột phá cũng đã giúp cho các nhà thầu thuận lợi hơn; trong đó, mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng bao gồm cả các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao, áp dụng hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, và tối ưu hóa quy trình lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thông tư 04 bao gồm 07 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng, theo đó hầu hết các mẫu hồ sơ mời thầu được số hóa dưới dạng webform, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và văn bản giấy.
Được thử nghiệm trong 6 năm và chính thức được triển khai trên toàn quốc từ năm 2016, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia vận hành bởi Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã và đang ngày càng thu hút được sự quan tâm và tham gia từ phía chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu, chứng tỏ được những lợi ích, hiệu quả nhất định cho các nhà thầu, bên mời thầu và cơ quan quản lý nhà nước…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục