Cải cách tiền lương: Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp

12:24' - 15/09/2018
BNEWS Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.

Theo đó, chính sách tiền lương được cải cách sẽ bãi bỏ hệ thống bảng lương được coi là quá phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo mang tính bình quân, cào bằng hiện nay bằng các bảng lương mới đơn giản và phù hợp hơn.

Xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những thay đổi và các giải pháp để thực hiện thành công đề án này.

Chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Phóng viên: Thứ trưởng có thể đánh giá thực trạng chính sách tiền lương hiện nay đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Cụ thể, Kết luận Hội nghị Trung ương 8 khoá IX về Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2003 - 2007 đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện theo chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng các khoá X, XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá X, đặc biệt là các Kết luận số 23-KL/TW, ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XI.

Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động.

Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong những năm qua Đảng và nhà nước ta đã xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế đất nước cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo.

Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách pháp luật thông thoáng, tạo khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư lành mạnh để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh thực hiện theo cơ chế thị trường dựa trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Nhà nước quản lý tiền lương thông qua chính sách về mức lương tối thiểu vùng.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần nhà nước chiếm cổ phần chi phối 51% trở lên, nhà nước có chính sách tiền lương riêng - với vai trò quản lý vốn sở hữu nhà nước.

Phóng viên: Vậy những hạn chế và nguyên nhân của bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay đang áp dụng như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

Ngoài ra, chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nguyên nhân khách quan từ nội lực nền kinh tế còn yếu, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích luỹ còn ít, nguồn lực nhà nước còn hạn chế... nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm, chưa có nghiên cứu căn bản và toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn.

Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự là cơ sở để xác định biên chế, tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và trả lương.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và vai trò của tổ chức công đoàn trong các thoả ước lao động tập thể còn hạn chế.

Việc hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Đề án cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 thông qua có nhiều điểm mới, nhất là vấn đề lương đối với người lao động tại các doanh nghiệp. Vậy, cụ thể những thay đổi lớn nhất trong nội dung cải cách là gì?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Những thay đổi đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế; trong đó, hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng.

Cùng đó, bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.

Ngoài ra, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đổi mới quản lý tiền lương theo nguyên tắc thị trường; trong đó Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp (bỏ các quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động).

Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Tăng cường vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương của người lao động, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động.

Xác định tiền lương hợp lý đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao; tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương phù hợp với mặt bằng thị trường vào chi phí, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, để thực hiện thành công Đề án cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai thực hiện nhóm nhiệm vụ như thế nào?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu trên, Bộ tham gia xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, tập trung xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo các nội dung của Đề án.

Đồng thời, xây dựng các văn bản hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước; trong đó, năm 2019 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Đến năm 2021, thực hiện đồng bộ đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia, cùng với các thành viên Hội đồng đại diện cho các cơ quan khác tiếp tục đánh giá, xác định mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hợp lý, vừa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vừa phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Cùng đó, về việc giảm sự can thiệp của Nhà nước, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật trong doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục