Cải cách tiền lương - Bài 2: Nghị quyết 27 và tư duy đột phá

12:52' - 15/09/2018
BNEWS Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương là cuộc “cách mạng” thực sự trên lĩnh vực tiền lương.

Bài 2: Nghị quyết 27 và tư duy đột phá

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương là cuộc “cách mạng” thực sự trên lĩnh vực tiền lương.

Nghị quyết ra đời nhằm giải quyết đồng bộ, toàn diện, triệt để, sâu sắc lĩnh vực chính sách tiền lương, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội phát triển, phát huy cao độ nguồn lực con người - yếu tố có tính chất quyết định cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức đáp ứng cuộc cách mạng công nghệp 4.0.

Từ đó sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đánh giá về những điểm mới trong cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam ngay khi Nghị quyết được ban hành, trên trang Web của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã có bài cho rằng: Cấu phần về lương trong khu vực công của Nghị quyết là một sự đột phá đối với không chỉ hệ thống tiền lương khu vực công, mà cả với quản trị khu vực công.
Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee nhận định: Hệ thống tiền lương lỗi thời và phức tạp trong khu vực công là một “nút thắt” lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Chính vì thế, Nghị quyết đã đưa công cuộc cải cách tiền lương ở khu vực công vào đúng quỹ đạo, do đó sẽ mang lại những bước tiến dần dần nhưng vững chắc để cải thiện hiệu suất của khu vực công.
Đối với khu vực doanh nghiệp, Nghị quyết cũng ghi nhận đúng đắn vai trò của tiền lương tối thiểu là “mức sàn (tiền lương) thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế”, đồng thời coi tiền lương tối thiểu là “căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động”.

Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong việc định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu trên cơ sở cân nhắc đầy đủ yếu tố năng suất lao động và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Tổ chức ILO cũng nhấn mạnh, Nghị quyết chỉ ra vai trò của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể còn hạn chế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay và ghi nhận rằng “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”.

Do đó, Nghị quyết đề cao nhu cầu nâng cao vai trò và năng lực của công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương trong thời điểm này với nhiều quan điểm, giải pháp đột phá là hết sức cần thiết.

Nghị quyết đưa ra một chính sách tiền lương với tư duy mới, cách tiếp cận mới, học hỏi kinh nghiệm thế giới và khắc phục được những hạn chế hướng tới một chính sách tiền lương khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước.

Nghị quyết sẽ tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chị Nguyễn Đoan Tr, với những đột phá, những giải pháp hết sức cụ thể mà Đề án Cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 thông qua như thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới; quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí việc làm… với quan điểm tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; … Nghị quyết sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến đặc biệt là thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy.

Trước những băn khoăn khi tăng lương sẽ tạo áp lực lên ngân sách do phải nuôi khá nhiều người, ở nhiều tổ chức bộ máy, ông Phạm Minh Huân cho rằng, cần phải tổ chức lại bộ máy, làm sao sắp xếp lại cho tinh gọn, rồi xác định con người, tạo ra một cơ chế lương để khuyến khích người giỏi, phân biệt người làm tốt, người làm chưa tốt, công bằng chứ không phải bình quân.

Khu vực công phải dần bỏ làm những công việc mà xã hội làm được, làm tốt hơn Nhà nước. Khu vực công chỉ làm việc khó, xã hội không làm được. Cần phát huy cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Khi đó bộ máy giảm đi, chi phí tiền lương xã hội sẽ giảm đi, như vậy sẽ đỡ gây áp lực cho ngân sách.

Việc Nghị quyết 27 ra đời đã được người dân cả nước đánh giá cao và ghi nhận như sự quyết tâm cải cách chế độ tiền lương của trung ương.

Ông Đặng Đức Hạnh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Sơn Tây, Hà Nội nhận định: Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động, thực hiện chế độ tiền lương xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở xã./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục