Cải cách thủ tục thuế: Góc nhìn của doanh nghiệp

07:44' - 02/12/2019
BNEWS Danh mục áp thuế không thống nhất giữa cơ quan hải quan và các bộ quản lý chuyên ngành; quy định về hoàn thuế còn bất cập... đang là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN

Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong năm 2019 về những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho hay, Bộ Tài chính tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và hiện nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó có cải cách thủ tục hành chính thuế.
Nhờ đó, nếu như kết quả đánh giá "Sự phục vụ của công chức thuế" vào năm 2014 là 5,36 điểm, năm 2016 là 6,36 điểm thì năm 2019 tăng lên 7,86 điểm. Thái độ phục vụ của bộ phận kê khai, kế toán thuế và ấn chỉ thuế nhận được sự hài lòng hoàn toàn của doanh nghiệp với tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 87% và 82%
Ông Lộc nhắc lại câu chuyện cách đây 5 năm, khi đó Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cũng như Tổng cục Thuế phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo kịp với mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).

Bàn về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp cùng với VCCI chủ trì cuộc họp đưa ra các giải pháp cụ thể; trong đó, sửa đổi một loạt chính sách nhằm mang lại thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Vì vậy, với kết quả chung đạt gần 8 điểm đánh giá của ngành thuế đã phản ánh sự hài lòng và ghi nhận những nỗ lực của ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ. Ngành thuế xứng đáng được ghi nhận đi đầu trong công cuộc đổi mới thể chế và cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam. 
Là Trưởng nhóm nghiên cứu của VCCI tiến hành khảo sát gần 6.800 doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết, căn cứ vào gần 1.800 phản hồi của doanh nghiệp bày tỏ cảm nhận về những chuyển biến tích cực trong tác phong phục vụ của ngành thuế cho thấy, ngành thuế nói chung và các cán bộ, công chức thuế nói riêng đã có sự chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; rèn luyện tác phong làm việc tốt, tinh thần thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, thể hiện sự tận tâm, tận tình với người nộp thuế. Quan trọng hơn, kết quả giải quyết công việc của cơ quan thuế cũng ngày càng hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Tuấn bày tỏ, kết quả đánh giá "Sự phục vụ của công chức thuế" năm 2019 đã tăng lên 7,86 điểm và thái độ phục vụ của bộ phận kê khai, kế toán thuế và ấn chỉ nhận được sự hài lòng hoàn toàn của doanh nghiệp với tỷ lệ cao nhất là kết quả mà Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính đạt được với những biện pháp chỉ đạo quyết liệt.

Cụ thể, từ việc đào tạo tập huấn trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thuế cũng như chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật công vụ; rèn luyện tác phong làm việc, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế… Những điều đó đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.     
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn số ít doanh nghiệp chưa hài lòng và "thất vọng" về những tồn tại và bất cập của ngành thuế. Không ít doanh nghiệp phàn nàn vì gặp khó với miễn, giảm thuế và hoàn thuế hay khó khăn với thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Tuấn, dù đã có hơn 98% doanh nghiệp khai thuế điện tử và 92% doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử, song số ít doanh nghiệp chưa nộp thuế điện tử vẫn đổ cho nguyên do là thủ tục phức tạp, mất thời gian của doanh nghiệp, tốn kém thêm chi phí và quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin. Thêm nữa, có khoảng 9% doanh nghiệp thừa nhận phải trả chi phí ngoài quy định và doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ trả chi phí ngoài quy định cao hơn doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện các thủ tục thuế. Chính vì lẽ đó, còn nhiều dư địa để ngành thuế tiếp tục cải cách.
Ông Tuấn khuyến nghị, những thông tin hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế cần tiếp tục đơn giản, dễ hiểu và thống nhất cách hiểu. Cơ sở hạ tầng công nghệ cần được nâng cấp tốt hơn, ít lỗi hơn để phục vụ cho dịch vụ thuế điện tử. Cùng với đó, cơ quan thuế cần có biện pháp hiệu quả hơn nhằm tiếp tục giảm thiểu chi phí ngoài quy định trong thủ tục thuế.

Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra thuế cũng cần tiếp tục được cải thiện để tránh tình trạng thanh, kiểm tra trùng lặp hay cán bộ thanh, kiểm tra áp dụng quy định về thuế theo xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp....

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Hùng Vương cho biết, chính sách thuế ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều trường hợp do không thống nhất về các quy định thuế nhất là thuế tài nguyên nên dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp trong nước tự cạnh tranh lẫn nhau.
Với thực trạng của doanh nghiệp hiện nay, ông Thắng cho rằng, yêu cầu được giảm thuế nhập khẩu đối với một số loại nguyên vật liệu như bột đá, cao lanh... đang rất bức thiết do giá xăng dầu, giá điện tăng cao kéo theo giá cước vận tải cũng tăng theo. Chi phí trung bình cho cán bộ công nhân viên cũng cao hơn so với trước. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh tài nguyên khoáng sản.

Bên cạnh đó, cần thống nhất giá tính thuế tài nguyên cho tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc để tránh tình trạng khai thác tận thu và gây lãng phí tài nguyên hay khiến cho giá trị của tài nguyên sụt giảm đáng kể.
Phân tích thêm về một số bất cập còn hiện hữu trong các quy định và thủ tục hành chính thuế, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, danh mục áp thuế không thống nhất giữa cơ quan hải quan và các bộ quản lý chuyên ngành; quy định về hoàn thuế còn bất cập là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, giao dịch điện tử được đánh giá cao, song tình trạng nghẽn mạng vẫn thường xảy ra; thái độ thực thi công vụ của cán bộ thuế vẫn còn là rào cản đối với doanh nghiệp... nên đòi hỏi ngành thuế cần tiếp tục quá trình cải cách một cách mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất hơn nữa. 
Dưới góc độ của chuyên gia, ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, một số chính sách thuế hiện còn nhiều điểm phức tạp, chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp. Nguy cơ phát sinh chi phí không chính thức xuất phát từ việc thanh tra, kiểm tra thuế nên kết quả thanh, kiểm tra thường bị suy diễn theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp....
Vì vậy, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính song song với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, công sức, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và minh bạch hóa hệ thống thuế. Bên cạnh đó, có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ khi mới thành lập để việc tiếp cận, hiểu và thực hiện đầy đủ thủ tục thuế theo quy định. 
Có thể thấy rằng, những nỗ lực của ngành thuế đã nhận được những thành quả xứng đáng. Song, để đạt được mục tiêu "đến năm 2020 tối thiểu có 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp" như Chiến lược cải cách Thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì ngành thuế cần nỗ lực nhiều hơn với những giải pháp mới, hiệu quả và có tính thúc đẩy, đảm bảo đích đến thành công cho công cuộc cải cách./.
>>> Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục thuế cho doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục