Cải cách hành chính Thuế: Chặng đường còn lắm chông gai

08:56' - 02/12/2018
BNEWS Cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa trong quản lý thuế tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng không phải địa phương nào khi triển khai chính sách này cũng gặp thuận lợi.
Ngành Thuế tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện kê khai cho người nộp thuế. Ảnh:TTXVN
Với nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong kê khai thuế, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thời gian qua, ngành thuế đã góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
*Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp
Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên Phạm Văn Quang đánh giá, ngành thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực, có thể nói “lột xác” trong quản lý, trở thành người bạn thân thiện với doanh nghiệp nhờ thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế.
“Phong cách ngành thuế rất chuyên nghiệp. Cán bộ ngành thuế không có việc sẽ không xuống doanh nghiệp; xuống doanh nghiệp phải là công việc chính đáng và đều đeo biển giới thiệu. Đây là sự đổi mới đáng ghi nhận về phong cách làm việc của ngành thuế”, ông Quang nói.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn (Thái Nguyên) đánh giá chưa bao giờ chất lượng dịch vụ thuế lại tốt như bây giờ! Tất cả những hoạt động như kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đã được điện tử hóa, tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Hóa đơn điện tử đảm bảo tính minh bạch, khoa học, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian, đặc biệt không phải in hóa đơn.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho biết, tính đến nay, 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thái Nguyên đã thực hiện kê khai thuế qua mạng. Không những thế, Cục Thuế tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường kê khai thuế qua mạng Internet cho các tổ chức khác và các đơn vị hành chính sự nghiệp...
Về kết quả kê khai thuế điện tử, tính đến tháng 10/2018, tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử của tỉnh Thái Nguyên trên tổng số chứng từ nộp thuế đạt 95,3%. Tỷ lệ số tiền nộp ngân sách nhà nước qua hình thức điện tử đạt tới 98,42%.
Không chỉ doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Cao Bằng cũng có những phản hồi tích cực về sự đổi mới của ngành thuế.
Ông Trần Văn Hà, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đình Văn (doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Trùng Khánh - Cao Bằng) cho biết, ngành thuế hiện đã có nhiều cải cách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Khi có vướng mắc, doanh nghiệp chỉ cần gọi điện là được cán bộ thuế giải thích cặn kẽ, nhiệt tình.
Tại tỉnh Cao Bằng, toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng hệ thống dịch vụ thuế điện tử. Đến 15/11/2018, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử tại địa phương này đạt 100%, doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 100%, tỷ lệ chứng từ nộp thuế điện tử trên tổng chứng từ nộp thuế đạt trên 91%; hoàn thuế điện tử đạt 100%...
Theo bà Nguyễn Thanh Mẫn, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Cao Bằng): “Chúng tôi đã công khai thiết lập đường dây nóng của Cục trưởng, Chi cục trưởng trên cổng thông tin điện tử Cục thuế, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận những vướng mắc, phản ánh của người nộp thuế về chính sách pháp luật thuế, hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ thuế.”
* Nỗ lực tháo gỡ
Cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa trong quản lý thuế giúp xây dựng ngành thuế hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng không phải địa phương nào khi triển khai chính sách này cũng gặp thuận lợi.
Ông Nguyễn Duy Thể, Cục trưởng Cục Thuế Bắc Kạn cho biết, việc kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử thực sự là giải pháp cải cách hành chính hiệu quả, đem lại nhiều tiện ích cho cán bộ thuế và cả những người nộp thuế. Tính đến ngày 31/10/2018, tổng số doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử là 18 đơn vị.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thuế Bắc Kạn, hiện Nghị định 119/2018/NĐ- CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ ngày 01/11/2018, nhưng hiện tại chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Các văn bản hướng dẫn về hóa đơn và hóa đơn điện tử còn mâu thuẫn trong quá trình thực hiện, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp chưa biết thực hiện như thế nào.
Cục Thuế Bắc Kạn kiến nghị Tổng Cục Thuế sớm có văn bản hướng dẫn để bộ phận ấn chỉ ngành thuế hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Bắc Kạn Nguyễn Duy Thể, do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng về nghĩa vụ thuế có phần hạn chế. Vì thế, ngành thuế tỉnh thường xuyên tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào các nội dung giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; hỗ trợ đến những doanh nghiệp mới thành lập về kê khai, nộp thuế điện tử; tuyên truyền về dịch vụ thuế điện tử đến tất cả các doanh nghiệp…
Người nộp thuế đươc hỗ trợ tư vấn, giải đáp chính sách thuế. Ảnh: TTXVN
Ông Vũ Anh Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tâm sự, mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực đưa dịch vụ công trực tuyến vào áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng trong quá trình triển khai vẫn không nhận được sự hưởng ứng của người nộp thuế do phương tiện máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp cũng như của người dân còn hạn chế.
“Người dân ở đây họ vẫn quen với hình thức giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngay cả việc nộp thuế điện tử cũng vậy, nhiều người sợ không an toàn nên dù được cơ quan thuế tuyên truyền, hỗ trợ rất tích cực, nhưng họ vẫn muốn đến kê khai và nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế” - ông Lợi nói.
Theo Tổng cục Thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế trong thời gian qua đã đạt kết quả tích cực. Để tiếp tục cắt giảm chi phí thủ tục hành chính thuế, ngành thuế tiếp tục rà soát, đánh giá các công việc, các thủ tục vẫn còn có thể cải cách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2369/QĐ – BTC ngày 16/11/2017, bãi bỏ 2 thủ tục chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng tại cấp Cục và Chi cục thuế. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng thực thi phương án đơn giản hóa 16 thủ tục hành chính theo Quyết định số 2707/ QĐ – BTC ngày 19/12/2017 của Bộ Tài chính.
Tổng cục Thuế cũng đã rà soát đơn giản hóa 30 thủ tục hành chính theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ – TCT ngày 25/01/2018 và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đáp ứng dịch vụ công trực tuyến theo cấp độ 3 và cấp độ 4.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế điện tử.
Đến nay, hệ thống thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Tính đến ngày 20/7/2018, có tới hơn 670.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kê khai thuế điện tử, đạt 99,96% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Ngành thuế cũng đã phối hợp với 49 ngân hàng thương mại để kết nối nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ. Việc hoàn thuế điện tử cũng được triển khai rộng rãi tới tất cả các tỉnh, thành trên cả nước... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục