Cách tiếp cận của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

06:02' - 03/01/2018
BNEWS Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ được xây dựng dựa trên đánh giá về sự thừa nhận sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực như một đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây cho các đồng minh của Mỹ sự bất an. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các bài viết đăng trên Carnegie Endowment, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ trở lại đây đã giúp cho nước này có được những công cụ gia tăng sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị.

Trung Quốc cũng đồng thời xây dựng sức mạnh quân sự ngăn chặn Mỹ tiếp cận khu vực biển có thể làm ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Trung Quốc thiết lập chuỗi đảo thứ nhất và hướng tới xây dựng chuỗi đảo thứ hai để phá thế bao vây của Mỹ và đồng minh trên biển Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
Không chỉ dừng ở đó, Mỹ đánh giá năng lực quân sự của Trung Quốc còn có khả năng vươn ra toàn cầu vào giữa thế kỷ 21. Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc đã mua lại những cảng biển tại Vịnh Ba Tư và biển Địa Trung Hải, tăng cường hiện diện quân sự ở bờ biển Đông và Tây Phi, và sẵn sàng cho sự hiện diện xa hơn ở phía Tây bán cầu.

Giới chuyên gia đánh giá, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh vẫn có đủ nguồn lực tài chính để triển khai sức mạnh quân sự, trước hết là về hải quân dọc vành đai Á-Phi. Thành công của Trung Quốc cũng đồng thời thách thức trật tự thương mại toàn cầu được Mỹ lập lên.
Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới bùng nổ từ năm 2008 kéo dài tới nay đã gián tiếp tạo thêm môi trường thuận lợi để Trung Quốc chấm dứt sự thống trị của Mỹ, trước mắt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời”, và chính thức tuyên bố về tham vọng vươn ảnh hưởng ra lục địa Á – Âu vào năm 2013 với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Với sức mạnh quân sự ngày càng mạnh, trong vài thập niên tới Trung Quốc sẽ đủ năng lực mở rộng tầm hoạt động của Hải quân nước này ra Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương như đang làm hiện nay tại Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Như vậy, Trung Quốc đang dần phát triển từ một cường quốc khu vực sẽ vươn lên thành cường quốc toàn cầu.

Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất mà Mỹ phải đối mặt và có ý nghĩa cấp bách hiện nay (một phần do sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump) đó là sự cần thiết phải khẳng định cam kết duy trì vị thế thống trị toàn cầu và ưu thế vượt trội của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kể từ khi lên nhậm chức, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã gây cho các đồng minh của Mỹ sự bất an. Do vậy, Mỹ phải trả lời câu hỏi liệu có tiếp tục cam kết bảo vệ vị thế của nước này trong hệ thống quốc tế và bảo vệ các thể chế quốc tế đang giúp khẳng định vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.
Kể từ sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã có những động thái tái khẳng định cam kết của nước Mỹ đối với những đồng minh chủ chốt như NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng vẫn chưa có được sự cam kết mạnh mẽ với nhiều quốc gia, khu vực khác, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính quyền Donald Trump vẫn chưa có câu trả lời khẳng định rằng liệu Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ những thành tố cơ bản của tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này tại khu vực hay không.

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội, nhiệm vụ này đòi hỏi Mỹ phải có lực lượng tại chỗ có khả năng tạo ra sức mạnh răn đe hiệu quả, trực tiếp. Như vậy, để duy trì được ưu thế về quân sự với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các lực lượng hỗn hợp của Mỹ sẽ phải được nâng cấp để đảm bảo khả năng giành chiến thắng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục