Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thế nào đến thị trường Việt Nam?

16:50' - 27/03/2018
BNEWS Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực.

Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam” do Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam, Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 27/3/2018, tại Hà Nội.

Có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng Internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng Internet vào các hoạt động. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều -TTXVN

Toạ đàm nhằm giúp người lao động, doanh nghiệp, cơ quan quản lý hiểu đúng về cách mạng công nghiệp 4.0; hỗ trợ các nhà quản lý, hoạch định chính sách tìm giải pháp giúp người lao động, thị trường lao động Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm ra giải pháp thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam phát triển trong thời đại 4.0; doanh nghiệp Việt Nam nhận ra thách thức, cơ hội trước sự thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu thống nhất: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Sự xuất hiện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tạo ra các chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các quốc gia phát triển đã tận dụng ưu thế về công nghệ và vốn để dẫn dắt những thay đổi này. Các nước đang phát triển đang đứng trước thách thức làm thế nào thích ứng với sự thay đổi mang tính bước ngoặt này.

Theo báo cáo gần đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra để đo lường các yếu tố, điều kiện cần thiết chuyển đổi sản xuất, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi sản xuất của 100 quốc gia trên thế giới, Việt Nam có các yếu tố đổi mới sáng tạo công nghệ, giáo dục, chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở mức thấp.

Hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động là trình độ thấp. Thực tế, phần nhiều doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở trong giai đoạn giữa 2.0 và 3.0.

Có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng Internet nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng Internet vào các hoạt động. Bất cập hiện nay của các doanh nghiệp là không đủ khả năng số hóa, ứng dụng dữ liệu lớn vào phân tích, thiết kế, sâu chuỗi thành những chuỗi giá trị.
Ông Trần Chí Dũng (Văn phòng Giới sử dụng lao động thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng: tại Việt Nam, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình truyền thông đầu tiên về cách mạng 4.0 mang tên “Quốc gia số” cũng được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia. Khá nhiều cuốn sách có nội dung xoay quanh cách mạng công nghiệp này cũng được giới thiệu tới công chúng.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có cơ sở để nhìn nhận cụ thể, đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những gì người dân biết về cuộc cách mạng này đều dựa trên lợi thế hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông của đất nước.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đầu tiên là đổi mới công nghệ. Theo xu thế chung, ở Việt Nam sẽ có làn sóng đổi mới công nghệ từ doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0. Điều này dẫn đến,nhu cầu việc làm công nghệ cao là vô cùng lớn; đồng thời nguồn cung lao động phổ thông cũng giảm mạnh.

Hòa cùng làn sóng 4.0, lực lượng lao động của Việt Nam đang, hình thành các nhóm rõ rệt. Trong đó, lao động trẻ được đào tạo trong các nhà trường có thể hướng tới chuẩn mực 4.0 là thách thức lớn cho ngành giáo dục và đào tạo.

Thống nhất với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Anh Vinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam- Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đến năm 2030, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là những lao động có tay nghề cao.

Người lao động trong tương lai cần kết hợp được nhiều yếu tố: giao tiếp đa phương tiện, trách nhiệm xã hội, tính đa ngành và liên ngành, trí tuệ nhân tạo và máy móc điện tử, kết nối quốc tế, phát triển bền vững ...

Trước yêu cầu mới này, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao khả năng cho lao động, trong đó việc đào tạo cần tập trung giúp cho trẻ yêu thích và học cách học, biết giao tiếp và cộng tác, xử lý những vấn đề phức tạp, có tư duy cởi mở.
Theo Tiến sĩ Phạm Quang Ngọc, chuyên gia kinh tế và thị trường lao động nhấn mạnh: sự dịch chuyển cấu trúc lao động nhờ công nghệ đang ngày càng rõ nét. Để bắt kịp với cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên các định hướng về thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần triển khai máy móc để tự động hóa trong sản xuất; áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao năng xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục