Cách doanh nghiệp Việt chiếm lòng tin của người tiêu dùng

15:23' - 28/11/2018
BNEWS Mặc dù đã có chỗ đứng nhất định, song để cạnh tranh với hàng ngoại, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn đến chất lượng, giá thành và tạo sự khác biệt để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

 Sau hơn 9 năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ vậy, cuộc vận động còn tác động mạnh đến sự thay đổi của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng hóa.

Đặc biệt, trước khi bấm nút chính thức phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định, song để cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, giá thành và tạo sự khác biệt để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" và ra mắt VinFast . Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

*Chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cuộc vận động đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Khảo sát mới đây cũng cho thấy, khi 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.
Đặc biệt, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Bởi theo họ kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chất lượng hàng hóa đã được nâng lên rất nhiều, mẫu mã cũng được cải thiện và giá thành cũng phù hợp với mặt bằng chung hiện nay.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng Việt chất lượng cao. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Không dừng lại ở đó, phía doanh nghiệp cũng rất hứng khởi với sự chào đón của người tiêu dùng trước những chuyển biến tích cực trong thói quen sính ngoại. Đây là động lực lớn giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng vị thế vững chãi trên thị trường nội địa.
Chị Nguyễn Thu Trang, cư dân tại chung cư 75 Tam Trinh chia sẻ, trước đây khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa ra đời, tôi hầu như không để ý đến các thương hiệu trong nước. Bởi lẽ, không chỉ chất lượng mà mẫu mã sản phẩm cũng không thu hút người tiêu dùng mà giá thành lại đắt đỏ hơn rất nhiều so với mặt hàng từ Thái Lan, Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thu Trang, vài năm trở lại đây đa số doanh nghiệp Việt sau một thời gian đem chuông đi đánh xứ người đã trở về nhà đầu tư mẫu mã, cải tiến chất lượng và khẳng định chỗ đứng vững chắc. Chính vì vậy, không chỉ riêng gia đình chị mà người tiêu dùng nói chung cũng đang có xu hướng lựa chọn hàng Việt và có cái nhìn thiện cảm hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Khai mạc chương trình Nhận diện hàng Việt Nam-Tự hào hàng Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, qua 9 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường; trong đó có trên 90% hàng hóa được sản xuất trong nước. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỷ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.
Dù vậy, các chuyên gia cũng tỏ ra e ngại bởi hàng Việt đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng nhưng khi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống còn 0 - 5%, hàng hóa nhập ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, lúc ấy thị trường trong nước sẽ không còn là của riêng doanh nghiệp Việt.
Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Vì thế, nếu không có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt có thể dễ mất vị thế ngay tại sân nhà.
*Nâng sức cạnh tranh
Nhớ lại trước đây, trong tâm trí người tiêu dùng Việt chắc hẳn chưa thể quên được những ngày huy hoàng nhất của rất nhiều các thương hiệu Việt - điểm nhấn cho thời kỳ đất nước chuyển đổi và mở cửa.
Một loạt thương hiệu Việt được coi là vàng son nhiều năm về trước như cao su Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình, thuốc lá Thăng Long…đang đứng trước bờ vực của sự lụi tàn nếu không có những thay đổi đột phá trong chiến lược phát triển.
Vấn đề đặt ra với thương hiệu Việt là sẽ ra sao khi các tên tuổi vốn mang thương hiệu Việt dần được chuyển giao cổ phần cho các nhà đầu tư, thương hiệu ngoại. Bản sắc của thương hiệu Việt liệu còn được giữ gìn, được nâng lên tầm cao mới hay đang đánh mất mình trong cuộc cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngay chính trên sân nhà.
Hơn nữa, khi nói về các thương hiệu của Việt Nam thường chỉ tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì thế, sự kiện VinFast ra mắt sản phẩm xe hơi tại Paris (Pháp) và Bphone3 quay trở lại thị đã thắp sáng niềm tin thương hiệu Việt sẽ đi xa hơn.

 Người dân Thủ đô tham quan, mua sắm tại các gian hàng ở hội chợ hàng Việt năm 2018 với chủ đề: “Chung tay xây dựng thương hiệu Việt” và Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2018. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Nhôm Kim Hằng cho biết, để giữ thị phần tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp đã đa dạng hóa sản phẩm sản xuất của mình. Không chỉ đơn thuần sản xuất sản phẩm vật dụng nhà bếp như xoong, nồi, chảo… công ty đã đầu tư sản xuất những sản phẩm mới, lạ và chú trọng tiện dụng cho người tiêu dung.
Đơn cử như nồi cơm điện đa năng kết hợp chức năng hầm, nấu súp, luộc..., nồi điện chuyên sử dụng cho các món hầm; bếp nướng than không khói… Ngoài ra, trong thời gian gần đây, khi mức thu nhập người dân đã tăng lên, kéo theo nhu cầu thư giãn, giải trí, chăm sóc sức khỏe cũng gia tăng, công ty đã kết hợp với một số đơn vị đưa vào kinh doanh dòng sản phẩm ghế mátxa kết hợp ngâm nóng chân.
Còn theo bà Vũ Thị Hoài Thu, Giám đốc Công ty thiết kế thời trang T&T chia sẻ, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thời trang, không đơn thuần chỉ chạy theo mốt như trước đây và dần loại bỏ tâm lý sính ngoại.
Do đó, thời gian qua doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực để đưa ra các mẫu thiết kế phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Không những thế, với chiến lược kinh doanh công ty còn hướng tới sự cạnh tranh bằng giảm giá thành sản phẩm, đưa các họa tiết tinh xảo và thiết kế độc đáo tạo sự khác lạ và phong cách hơn.
Vì vậy, bà Vũ Thị Hoài Thu khẳng định, khi sản phẩm đã chinh phục được những khách hàng tinh tế trong nước sẽ không khó để làm hài lòng khách hàng tại thị trường nước ngoài.

Saigon Co.op tổ chức chương trình Hàng Việt về nông thôn tại tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN


Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đánh giá cao việc các doanh nghiệp không những đa dạng hóa sản phẩm còn không ngừng đổi mới sản xuất để đạt những chứng nhận về tiêu chuẩn khắt khe của toàn cầu như ISO 22000 (tiêu chuẩn ISO 22000 đưa ra các yêu cầu về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng), HACCP (hệ thống phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát trọng yếu nhằm giảm nguy cơ rủi ro an toàn trong thực phẩm) hay GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)…
Bởi theo Bộ Công Thương nếu đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ đưa doanh nghiệp tạo dựng được uy tín, chất lượng sản phẩm, không chỉ đối với người tiêu dùng tại thị trường trong nước mà còn cả thị trường toàn cầu. Mặt khác, hỗ trợ kiểm soát và giải quyết những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Tô Hoài Nam thừa nhận, hiện tại sự liên kết của các doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tự có, ít được nhà nước hỗ trợ… Chính vì vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thiếu vắng một lực lượng “đầu tàu” đủ mạnh để có thể dẫn dắt “đoàn tàu” Việt tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các nước trong khu vực, ông Tô Hoài Nam cho rằng, trước hết các doanh nghiệp trong nước cần tập trung tận dụng tốt cơ hội, đặc biệt là từ các cam kết FTA mang lại để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.
Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà cả chất lượng, để tận dụng ưu thế của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ./.

>>> Để hàng Việt xâm nhập sâu vào thị trường ASEAN


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục