Các kỷ lục của nền kinh tế Nga trong năm 2018 (Phần 1)

05:30' - 05/01/2019
BNEWS Năm 2018 Nga đã lập một loạt kỷ lục trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Hãng tin Ria Novosti mới đây đã công bố bình chọn 10 thành tựu kinh tế của Nga trong 12 tháng vừa qua.
Đồng tiền xu ruble của Nga và đồng USD của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* Dự trữ vàng kỷ lục

Trong năm 2018, Ngân hàng trung ương Nga đã mua số lượng vàng kỷ lục  92,2 tấn, vươn lên vị trí số 1 thế giới về khối lượng mua vào kim loại quý này. Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối đạt 18%, dự trữ vàng vượt mức 2.000 tấn, trị giá khoảng 78 tỷ USD. Tại sao Nga lại phải mua nhiều vàng đến như vậy?

Trước hết, đây là công cụ bảo vệ an toàn các khoản đầu tư và đa dạng hóa rủi ro. Trong trường hợp hệ thống đồng USD bị sụp đổ, chắc chắn vàng sẽ không bị mất giá. Trong khi duy trì được chức năng phương tiện thanh toán trong thương mại quốc tế, loại tài sản này làm giảm sự phụ thuộc vào bất cứ đồng tiền nào. Điều đáng nói Ngân hàng trung ương Nga chỉ mua vàng trên thị trường trong nước.

Đó là sự hỗ trợ không tồi cho các công ty khai thác vàng của Nga hiện sản xuất khoảng 300 triệu tấn/năm với 2/3 trong số đó được đưa vào kho dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga. Đây cũng là cơ hội kiếm tiền.

Trong thời gian gần đây, vàng bất ngờ tăng giá, tính đến cuối tháng 12/2018, giá vàng lên tới 1.270 USD/ounce. Dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cũng như chiến tranh thương mại làm nhu cầu về kim loại quý này tăng lên. 

* Đầu tư vào nợ công Mỹ thấp kỷ lục

Khi dự trữ vàng thỏi, Ngân hàng trung ương Nga song song cắt giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Thực tế toàn bộ nợ công Mỹ đã được bán. Ngay thời điểm tháng 6/2018, tỷ trọng trái phiếu chính phủ Mỹ trong dự trữ ngoại hối của Nga đã không vượt quá 10%, còn vào thời điểm hiện tại gần bằng không.

Quay lại năm 2010, đầu tư của Nga vào trái phiếu chính phủ Mỹ, bên cạnh đồng USD, được coi là công cụ tài chính đáng tin cậy và có tính thanh khoản nhất thế giới, lên tới hơn 176 tỷ USD. Tại sao Ngân hàng trung ương Nga lại từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ?

Nguyên nhân chính là do áp lực trừng phạt gia tăng từ phía Washington. Ngân hàng trung ương Nga đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ từ tháng 4/2014, nhưng tiến trình này trong năm 2018 mang tính chất quy mô lớn. 

Sau khi Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Ngân hàng trung ương Nga đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc từ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ là hợp lý xét theo quan điểm kinh tế học, bởi vì bảo vệ thị trường tài chính của Nga tránh những chấn động trong trường hợp các công ty trong nước bị trừng phạt. 

* Ngân sách thặng dư kỷ lục

Kết thúc năm 2018, ngân sách của Nga sẽ đạt thặng dư, đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Theo dự báo của Bộ Tài chính Nga, thặng dư ngân sách của nước này sẽ ở mức 2,5% GDP. Trong năm 2017, thâm hụt ngân sách vào khoảng 1,4% GDP. 

Ban đầu, ngân sách Nga dự kiến thâm hụt ở mức 1.271,4 tỷ ruble (1,3% GDP), nhưng giá dầu cao đã mang lại sự điều chỉnh quan trọng. Thu nhập bổ sung từ dầu khí bảo đảm cho ngân sách thặng dư. Bộ Tài chính Nga từng dự báo kết thúc năm 2018, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt sẽ đạt 2.700 tỷ ruble.

Thặng dư ngân sách, đó là dự trữ vững chắc của nhà nước, nhờ đó Nga có thể chống lại được những biện pháp trừng phạt của phương Tây. 

* Nợ chính phủ thấp kỷ lục

Nga là một trong những quốc gia có tổng số nợ nước ngoài thấp nhất thế giới, chỉ 525 tỷ USD. Có thể so sánh như nợ nước ngoài của Anh là 7.500 tỷ USD, Pháp ( 5.000 tỷ USD), Đức ( 4.800 tỷ USD), Eurozone ( 14.000 tỷ USD), còn Mỹ (hơn 21.000 tỷ USD). Theo các nhà phân tích của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, Nga dẫn đầu về tốc độ cắt giảm nợ nước ngoài (bao gồm nợ nhà nước và nợ của tất cả các khu vực của nền kinh tế).

Nếu tình hình kinh tế quốc tế bất ngờ xấu đi, nợ nước ngoài sẽ trở thành vấn đề lớn, hơn nữa rất nhanh. Càng ít nợ càng ít nguy cơ bị vỡ nợ khi xuất hiện những chấn động toàn cầu. Các nhà kinh tế cho rằng quy mô nợ nước ngoài hiện nay của Nga là lạc quan 20,4% GDP.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục