Các địa phương triển khai các giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi

17:59' - 04/03/2019
BNEWS Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 4/3, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh, hiện đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Đoàn kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phương Anh - TTXVN

Điều này đòi hỏi các địa phương tích cực vào cuộc, triển khai cấp bách các giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi.

Tại Bình Thuận, trong ngày 4/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi có ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan rộng đồng thời nghiêm cấm không được giấu dịch.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông vận tải tỉnh, tập trung kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu vào địa bàn tỉnh…

Trong khi đó, ngày 4/3, Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã công bố dịch đối với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ. Đây là địa phương thứ 2 trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ yêu cầu, trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với dịch tả lợn châu Phi và các sản phẩm của chúng ra, vào vùng dịch.

Các cơ quan chức năng tiến hành bao vây ổ dịch, lập các trạm, chốt kiểm dịch ở các trục đường giao thông chính ra vào địa phương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu, lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả các sản phẩm từ lợn đã qua chế biến chín (thịt muối, hun khói, xúc xích,…) trên địa bàn quản lý; tập trung kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, giám sát phát hiện sớm lợn ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân hoặc có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tượng tự, UBND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cũng đã ban hành Quyết định về việc công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Liêm Phong.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Nam đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

Các hộ chăn nuôi chưa phát hiện bệnh dịch tập trung làm tốt việc khử trùng tiêu độc đối với hệ thống chuồng trại, trước hết là xung quanh chuồng rắc vôi bột 100%, trong nền chuồng phun hóa chất 2 đến 3 ngày một lần, đặc biệt hạn chế tối đa việc ra vào trại.

Tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, hàng ngày các xe vào chợ được xử lý sát trùng, cuối buổi chợ rắc vôi bột; các đối tượng đi vào khu vực chăn nuôi đều được sát trùng 100%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo, trong tình hình hiện nay người chăn nuôi cần bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đối phó với dịch bệnh này, không hoang mang bán chạy lợn, khiến cho giá lợn giảm gây thiệt hại về kinh tế.

Tại tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, lực lượng thú y của tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy số xác lợn chết chưa rõ nguồn gốc bị thả trôi tại hồ nước, kênh ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và hiện đang tiến hành làm rõ bệnh cũng như nguồn gốc của số lợn bị chết này.

Theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, trong ngày 3/3, lực lượng chức năng trong lúc đi tuần tra đã phát hiện 2 điểm có xác lợn chết bị vứt ra môi trường.

Cụ thể, tại hồ chứa nước Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) có 18 con và tại kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm) có khoảng 20 con.

Sự việc này khiến người dân nơi đây bức xúc, lo lắng về bệnh dịch ở lợn có thể lây lan, cũng như sử dụng sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh làm thịt phẩm.

Để chủ động ứng phó với dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai ngay các phương án phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên khắp địa bàn.

Ngành thú y Khánh Hòa cũng khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 không theo đúng Luật Thú y, đó là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Mặc dù đến nay tỉnh Bình Phước chưa ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn, hàng trăm trang trại nuôi lợn vẫn an toàn dịch bệnh, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh vẫn chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương vào cuộc phòng ngừa dịch.

Theo đó, tỉnh Bình Phước yêu cầu các ngành khẩn trương chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả và không chủ quan trước nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn; qua đó, chủ động ngăn ngừa không để dịch bệnh lây lan xảy ra.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch bệnh; đặc biệt ngành thú y tập trung xây dựng kế hoạch hành động ứng phó của địa phương; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống ứng phó dịch; chủ động dự trù nơi tiêu hủy; rà soát, thu gom lợn, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc; định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao…

Bình Phước có đường biên giới rất dài với hơn 260km giáp ranh với Vương quốc Campuchia. Trên tuyến biên giới có nhiều cửa khẩu dân sinh qua lại hàng ngày.

Theo đó, cần tuyên truyền để người dân nhận thức rõ nguy hại dịch bệnh tả lợn từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, để dịch bệnh không bị lan rộng và kịp thời khống chế, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời 38.000 đồng/kg thịt lợn cho các hộ dân, để họ không giấu dịch.

Khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương thực hiện kiểm kê, hỗ trợ với cho các hộ dân, sau đó UBND tỉnh sẽ bổ sung kinh phí sau.

Tỉnh cũng có chính sách khen thưởng cho những người kịp thời báo cho các cơ quan chức năng lợn có dấu hiệu bị dịch tả châu Phi để các chủ hộ nuôi không bán tháo lợn bị bệnh đến các lò mổ. Với những cách làm này đã ngăn ngừa bùng phát ngay từ các hộ dân.

Khi đã phát hiện ổ dịch, lực lượng thú y và chính quyền địa phương cũng khẩn trương khoanh vùng dập dịch.

Ông Hiệp cũng khuyến cao thêm, dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, khi sử dụng thịt lợn, người dân nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của lực lượng thú ý và nên nấu chín kỹ mới sử dụng.

Hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp phát gần 1.800 lít hóa chất thực hiện công tác tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2019, riêng huyện Yên Định, nơi xảy ra bùng phát dịch tả lợn châu Phi được cấp gần 800 lít hóa chất; 1 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng; cấp 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng. Tại huyện Yên Định cũng lập 8 chốt kiểm dịch để không cho lợn và thức ăn gia súc ra, vào địa bàn này. 

Ngoài các chốt kiểm dịch trên các tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 10, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông tiếp giáp với các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, sản phẩm lợn từ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia, gia cầm ra – vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Tại các chốt này cũng tiến hành khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vận, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch; giảm sát việc xử lý, tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh và các sản phẩm từ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tại các lò giết mổ gia súc, lực lượng thú y cũng thường xuyên bám sát cương quyết không cho nhập lợn từ vùng dịch và vùng giáp ranh ổ dịch tả lợn châu Phi.

Tại đây nếu lực lượng thú y kiểm tra nếu phát hiện lợn ốm, lợn chết, lợn có dấu hiệu bị tả lợn châu Phi sẽ thu hồi để tiêu hủy. Cuối buổi lực lượng thú y cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các lò giết mổ này.

Tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các Ban quản lý chợ cũng khuyến cáo các tiểu thương không lấy thịt lợn tại các vùng có ổ dịch của huyện Yên Định.

Vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, các thành viên trong ban quản lý chợ đầu mối thành phố Thanh Hóa đều kiểm tra các cửa hàng thịt, nếu phát hiện thịt có biểu hiện nghi vấn, sẽ tiến hành lấy mẫu để tex nhanh kiểm tra.

Các sản phẩm từ thịt lợn phải có dấu kiểm dịch của thú y mới cho bán ở chợ này. Đến cuối phiên chợ cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực các cửa hàng thực phẩm nhằm không để phát tán, lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác.

Với những giải pháp quyết liệt này hy vọng người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiểu đầy đủ về dịch tả lợn châu Phi, không tẩy chay thịt lợn và được sử dụng thịt lợn an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục