Các “đại gia” năng lượng thắng lớn nhờ giá dầu

18:09' - 10/02/2019
BNEWS Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ trong năm 2018 nhờ giá dầu tăng cao hơn và việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động chi tiêu.
Các "đại gia" năng lượng thắng lớn nhờ giá dầu. Ảnh minh hoạ: AP/TTXVN

Song giới chuyên gia cảnh báo việc “thắt lưng buộc bụng” trong đầu tư có nguy cơ hạn chế năng lực sản xuất trung hạn của những công ty này.
Năm "siêu đại gia" – gồm các công ty Chevron và ExxonMobil của Mỹ, BP của Anh, liên doanh Royal Dutch Shell giữa Anh và Hà Lan, cùng Total của Pháp - đã kiếm được gần 80 tỷ USD lợi nhuận ròng trong năm ngoái.
Tất cả những công ty này đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh, với một số thậm chí đạt mức cao kỷ lục kể từ khi giá dầu thô đạt đỉnh trên 100 USD/thùng hồi năm 2014.
Nhìn chung, việc giá dầu tăng cao từ mức trung bình 54 USD/thùng hồi năm 2017 lên 71 USD/thùng trong năm 2018 đã giúp những công ty trên đạt lợi nhuận “khủng”, mặc dù quý IV vừa qua đã chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ trên thị trường.
Các “siêu đại gia” ngành năng lượng vẫn duy trì nghiêm ngặt những kỷ luật tài chính mà họ đã áp dụng kể từ sau khi giá dầu thô lao dốc hồi năm 2014, bao gồm cắt giảm chi phí và hạn chế đầu tư.

Theo giới quan sát, những công ty này đã “thắt lưng buộc bụng” đủ chặt để có lãi ngay cả khi giá dầu ở mức thấp. Và khi giá dầu tăng trở lại, không khó hiểu khi lợi nhuận của họ cũng tăng vọt.
Giới lãnh đạo của các “siêu đại gia” trên, bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Patrick Pouyanne của Total và CEO Bob Dudley của BP, đều cho biết họ sẽ duy trì những biện pháp tiết chế chi tiêu và đầu tư đó khi thị trường năng lượng vẫn đối mặt với nhiều bất ổn.

Nhất là khi những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa chấm dứt, trong khi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Do vậy, hoạt động đầu tư của các công ty này sẽ vẫn bị hạn chế trong năm 2019. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ - gồm những công ty chuyên tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác – mà còn trở thành một mối đe dọa trong trung hạn.

Theo giới chuyên gia, các giàn khoan dầu luôn cần nguồn vốn để có thể tiếp tục sản xuất trong khi những giàn mới cần được đưa vào hoạt động để thay thế các giàn khoan cũ tại những nơi đã cạn kiệt trữ lượng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã từng cảnh báo rằng mỗi năm thế giới cần 3 triệu thùng dầu/ngày để vừa bù đắp cho nguồn cung bị mất từ những mỏ dầu đã cạn kiệt, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Con số trên tương đương với sản lượng của Biển Bắc mỗi năm.
Trong khi một số công ty năng lượng vẫn đang tăng sản lượng dầu, các chuyên gia cho rằng đó là kết quả của các khoản đầu tư được thực hiện từ nhiều năm trước chứ không phải là gần đây.

Việc tốn nhiều thời gian xây dựng các giàn khoan dầu mới đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của sự hạn chế đầu tư hiện tại sẽ chưa xuất hiện rõ ràng trong vài năm nữa.

Song sự “thắt lưng buộc bụng” này có thể trở thành những rủi ro đối với thị trường năng lượng trong tương lai nếu dầu đá phiến của Mỹ không thể lấp đầy những khoảng trống.

Một số chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào khoảng năm 2021 - 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục