Các cuộc tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia có tác động thế nào đến kinh tế Mỹ?

05:30' - 20/09/2019
BNEWS Theo bài viết đăng trên Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia không tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ.
Một cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ảnh hưởng của những cuộc tấn công này có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và làm gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi vẫn chưa biết rõ tác động tổng thể của các vụ tấn công trên, song các nhà phân tích khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái khi giá dầu tăng mạnh giống như những năm 1970, bởi hiện nay những cú sốc về giá dầu không còn gây ra tác động tương tự đối với nền kinh tế. 

Tuy nhiên, các cuộc tấn công trên sẽ là một yếu tố mới để lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính đến khi họ xem xét một loạt nguy cơ địa chính trị có thể gây ảnh hưởng tới tương lai của nền kinh tế. Các yếu tố khác có thể kể đến như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bất ổn ở Hong Kong (Trung Quốc) và việc Anh sắp rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Nguy cơ giảm đầu tư kinh doanh và sự chững lại của tăng trưởng toàn cầu chính là lý do chính khiến Fed quyết định giảm lãi suất trong lần điều chỉnh gần nhất. Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, các quan chức trong ủy ban thiết lập lãi suất của ngân hàng trung ương nên đưa ra chính sách một cách thận trọng.

Vì những tác động quan trọng nhất của chính sách tiền tệ được cảm nhận với mức độ bất ổn trong một năm hoặc hơn, nên Ủy ban này của Fed cần cố gắng xem xét những diễn biến đã xảy ra và tập trung vào yếu tố có khả năng sẽ tác động tới triển vọng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Bank of America cho biết, hiện nay năng lượng chiếm khoảng 2,5% tiêu dùng hộ gia đình, giảm từ  8% trong những năm 1970.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kể từ đầu những năm 2000, các công ty năng lượng của Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoan mới, chẳng hạn như công nghệ thủy lực. Sản lượng dầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ năm 2008-2018 và Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và đứng thứ hai là Saudi Arabia.

Một mặt, giá dầu cao hơn sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và gây áp lực cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng để sản xuất hoặc vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, mặt khác, những tổn thất đó sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận mà ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ kiếm được từ giá dầu cao.

Ngành công nghiệp này của Mỹ gần đây đang gặp khó khăn khi sản xuất năng lượng tăng trong khi nhu cầu giảm đã khiến giá cả đi xuống. Các cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp này làm giảm đầu tư kinh doanh.

Đầu tư cố định phi chính phủ đã giảm với tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 0,6% trong quý II/2019, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý này.

Giá dầu tăng liên tục có thể thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào hoạt động thăm dò và khoan dầu, nhưng cũng có thể làm giảm đầu tư cố định vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng như Trung Quốc và Nhật Bản, các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Mỹ sẽ bị tác động nhiều. Theo EIA, Trung Quốc sản xuất khoảng 4,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng tiêu thụ khoảng 12,8 triệu thùng, khiến nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trên diện rộng. Giá dầu cao hơn có thể khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại hơn nữa, qua đó sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Tháng Bảy vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết sự giảm tốc mạnh mẽ của thương mại khiến nền kinh tế chững lại. Dự báo, tăng trưởng toàn cầu, được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ giảm xuống 3,2% trong năm nay, từ mức 3,6% của năm ngoái và 3,8% trong năm 2017.

Nếu các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia vào ngày 14/8 vừa qua khiến giá năng lượng tiếp tục cao, điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Cho tới nay, Mỹ vẫn tránh được những hậu quả nghiêm trọng của sự suy giảm toàn cầu. Nền kinh tế trong nước tăng trưởng với tốc độ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 2% trong quý II/2019. Công ty dự báo kinh tế Macroeconomic Advisers dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ giảm nhẹ xuống mức 1,9% trong quý III/2019.

Trong một diễn biến khác, một nguồn thạo tin cho hay hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sẽ trở lại bình thường trong tuần này, khi Riyadh sử dụng nguồn dầu từ các cơ sở dự trữ lớn. 

Các vụ tấn công nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hôm 14/9 đã làm giảm hơn một nửa sản lượng dầu của nước này, tương đương hơn 5% nguồn cung toàn cầu. Nguồn tin trên cho hay hiện vẫn chưa rõ việc ngừng sản xuất dầu của Saudi Arabia sẽ kéo dài bao lâu, vì tổn thất đối với cơ sở hạ tầng do các vụ tấn công này là khá lớn và không thể khôi phục một sớm một chiều.

Trước đó, lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy của Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi cho biết, lực lượng này đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ này.

Cùng ngày, Iran đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Tehran tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, coi đây là những cáo buộc vô nghĩa khi Washington đang cố viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục