Buôn lậu tại biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp

12:09' - 03/10/2019
BNEWS Nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai các giải pháp kiểm tra, xử lý các đối tượng đầu nậu buôn lậu, các đường dây buôn lậu có tổ chức, buôn lậu liên tỉnh.

Mặc dù chưa cận kề Tết Nguyên đán nhưng tình trạng vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực miền Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Đáng lưu ý, các mặt hàng nhập lậu qua biên giới chủ yếu là thuốc lá, đường cát, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát và đồ điện tử, điện lạnh cũ bắt đầu gia tăng.

Thu nộp ngân sách nhà nước 1.069 tỷ đồng từ chống buôn lậu. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Ông Phạm Đức Chinh- Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An cho biết, hiện tại tình hình hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới của tỉnh Long An vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Ngoài mặt hàng thuốc lá ngoại, trên tuyến biên giới của tỉnh Long An còn có nhiều hàng hóa được đối tượng buôn lậu vận chuyển qua biên giới, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự, an toàn xã hội như quần áo, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đường cát, rượu bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng và cả ma túy.

Theo ông Phạm Đức Chinh, do khoảng cách từ biên giới Campuchia qua Long An về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chỉ trong phạm vi khoảng 40 km; hàng hóa vận chuyển qua biên giới thuận lợi cho cả đường thủy và đường bộ.

Tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng 127 km, có nhiều đường mòn, lối mở, rất thuận lợi để qua lại biên giới nên lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu tương đối cao đã thúc đẩy nhiều đối tượng tham gia.

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này lực lượng chức năng đã xử lý 799 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu.

Đáng lưu ý, lực lượng chức năng còn thu giữ hơn 1,3 triệu gói thuốc lá, 31,5 tấn đường cát cùng với nhiều hàng hóa là hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo trị giá khoảng 3 tỷ đồng; khởi tố hình sự 40 vụ án với 46 đối tượng tham gia, chủ yếu là buôn lậu, tàng trữ thuốc lá.

Với những con số mà các cơ quan chức năng đã xử lý từ đầu năm đến nay cho thấy, tình hình vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới thuộc khu vực tỉnh Long An hiện vẫn chưa được đẩy lùi, diễn biến còn rất phức tạp và dựu báo sẽ gia tăng từ nay đến cuối năm 2019.

Tại khu vực biên giới An Giang và Tây Ninh, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới tăng hoặc giảm phụ thuộc vào sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả dịp Tết. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tại khu vực biên giới của An Giang giáp với Campuchia, mùa này mực nước lên cao đã tạo thêm nhiều đường mòn, lối mở, ghe thuyền dễ dàng lưu thông trên các kênh rạch, vì thế hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp hơn so với thời điểm mùa khô.

Đối với mặt hàng đường cát, từ đầu năm đến nay, mật độ vận chuyển qua biên giới chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không thường xuyên so với trước, nguyên nhân do giá đường Campuchia và Việt Nam chênh lệch không lớn và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt từ biên giới vào nội địa.

Tuy nhiên, mặt hàng đường cát dự báo khả năng thẩm lậu sẽ gia tăng, khi nhu cầu sử dụng đường cho mùa sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến.

Đáng lưu ý, tại biên giới tỉnh Tây Ninh, thuốc lá, đường cát, hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép... vẫn tiếp tục vận chuyển qua biên giới. Điểm nóng hàng nhập lậu hiện nay vẫn thuộc khu vực giáp ranh với tỉnh Long An, nhiều nhất vẫn là thuốc lá điếu.

Theo ông Châu Thanh Long- quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, thuốc lá, hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giày dép nước giải khát, rượu bia, sữa... sau khi vượt qua biên giới được tập kết ở khu vực giáp ranh với Long An.

Từ các bãi tập kết hàng lậu, các đối tượng dùng xe máy, ô tô du lịch, xe khách, thậm chí cả xe tải để chuyển tiếp hàng nhập lậu vào sâu trong nội địa và chuyển tiếp đến TP. Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.

Vấn nạn hàng giả hàng nhái và nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp. Ảnh: TTXVN

Nhằm đẩy lùi hàng nhập lậu trên địa bàn, ông Châu Thanh Long cho biết, Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã có kế hoạch hợp tác, chia sẻ thông tin về đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu vơi các cơ quan chức năng; tăng cường kiểm soát chặt các điểm nóng tập kết, kho bãi, trung tâm kinh doanh hàng lậu để xử lý.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường còn yêu cầu các cở sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng nhập lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng; đồng thời tổ chức tuyên truyền với người dân, nhất là khu vực nóng về buôn lậu không tiếp tay, tham gia vận chuyển, chứa trữ hàng lậu.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu các lực lượng chức năng, các địa phương chủ động tăng cường, phối hợp các lực lượng của Trung ương để triển khai các giải pháp kiểm tra, xử lý các đối tượng đầu nậu buôn lậu, các đường dây buôn lậu có tổ chức, buôn lậu liên tỉnh.

Đáng lưu ý, các đơn vị thuộc lực lượng 389 tại địa phương phải tổ chức triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020.

Đặc biệt, các đơn vị phải xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để xây dựng kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục