Bước tiếp theo của Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson trong lộ trình Brexit

06:30' - 17/01/2020
BNEWS Thủ tướng Anh Boris Johnson đang có hình ảnh của một nhà lãnh đạo đầy quyền lực ở trong nước, nhưng vị thế của ông trong những cuộc đàm phán Brexit sắp tới với Brussels không được như vậy.
Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động của chiến thắng trong bầu cử sớm cuối năm ngoái được thể hiện rõ vào ngày 7/1 vừa qua, khi Quốc hội Anh nối lại việc xem xét dự luật rút khỏi EU. Do đảng Bảo thủ chiếm đa số tại Hạ viện, nên việc thảo luận và thông qua dự luật này chỉ còn là vấn đề thủ tục.

Ý kiến của Thượng viện chỉ mang tính biểu tượng, nên cơ bản dự luật này sẽ trở thành luật mà hầu như không có những sửa đổi đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc Anh sẽ rời EU (hay còn gọi là Brexit) vào ngày 31/1 tới. Thủ tướng Anh đang hy vọng từ sau thời điểm đó sẽ không còn phải dùng đến từ Brexit, với lập luận rằng quá trình đàm phán thương mại sắp tới chỉ là những vấn đề kỹ thuật hợp với giới kinh doanh hơn là thu hút sự chú ý của công chúng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Brexit vẫn chưa hoàn thành vào ngày 31/1. Anh sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng, trong đó nước này sẽ phải tuân thủ tất cả luật của EU và tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối.

Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ đề cập không chỉ thương mại mà còn cả tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ, an ninh, trao đổi dữ liệu, thủy sản, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và các vấn đề khác. Hơn thế nữa, như bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã nhấn mạnh trong cuộc gặp với ông Johnson tại Phố Downing ngày 8/1, những cuộc đàm phán này thậm chí sẽ còn khó khăn hơn quá trình đàm phán “ra đi”.

Những thay đổi mới của dự luật càng khiến vấn đề trở nên khó khăn. Dự luật đã loại trừ việc kéo dài thời hạn chuyển tiếp đến sau năm 2020. Trong khi đó, những cam kết về bảo vệ quyền lợi người lao động sau Brexit cũng “biến mất”, theo kế hoạch của ông Johnson về việc tách khỏi các quy định của EU.

Dự luật cũng bỏ các điều khoản cho các nghị sỹ vai trò đáng kể trong xem xét và bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận tương lai với EU. Mục đích là tránh lặp lại tình cảnh của cựu Thủ tướng Theresa May khi bà May đã liên tục thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit của mình.

Tất cả những điều này phù hợp với giọng điệu của phe ủng hộ Brexit rằng cách để đạt được một thỏa thuận có lợi với Brussels là phải cứng rắn, và rằng việc đặt ra những điều khoản khắt khe sẽ buộc EU phải nhượng bộ. 27 nước thành viên khối này sẽ mất đoàn kết khi bị áp lực, và châu Âu cần nước Anh hơn là ngược lại, trong khi việc tuân thủ những quy định của Brussels là sai lầm về nguyên tắc cũng như không cần thiết cho việc duy trì quan hệ thương mại gần gũi.

Trong chuyến thăm London, bà von der Leyen đã phát biểu hùng hồn về mối hữu nghị sâu sắc và tình cảm yêu quý với nước Anh, nhưng cũng rất lạnh lùng khi nói về quan hệ tương lai. Hạn chót vào cuối năm khiến việc đạt được một thỏa thuận toàn diện là không khả thi.

Với tư cách là một bên thứ ba, Anh sẽ chỉ bị cắt bớt đặc quyền tiếp cận thương mại. Không còn đi lại tự do, nước này sẽ không thể có sự tự do luân chuyển về vốn, hàng hóa và dịch vụ. Mặc dù EU muốn một thỏa thuận thương mại không thuế quan và phi hạn ngạch, song Chủ tịch EC cũng bổ sung điều kiện thứ ba về việc Anh phải tuân thủ quy định của EU trong các lĩnh vực lao động, thuế, môi trường và trợ cấp nhà nước. Nước Anh càng tách rời khỏi những quy định này thì càng gặp nhiều rào cản đối với hàng xuất khẩu. 

Sự thật là ông Johnson, cũng giống bà May trước đó, đang ở trong thế yếu về đàm phán. Thỏa thuận ra khỏi EU đề cập đến khoản tiền Anh nợ khối này sau Brexit, quyền của các công dân EU tại Anh và, thông qua kiểm qua hải quan trên biển Ireland, việc bảo đảm một biên giới mở giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU).

27 nước EU đã học được giá trị của sự đoàn kết từ các cuộc đàm phán trước đó, và không như nước Anh, họ là những nhà đàm phán thương mại đầy kinh nghiệm. Hơn nữa, EU vẫn chiếm gần một nửa xuất khẩu của Anh, trong khi Anh chỉ nhập 1/10 hàng hóa của EU.

Tuyên bố chính trị đã được nhất trí cũng đặt ra những mốc khó khăn trên hành trình đạt đến thỏa thuận. Đến ngày 1/7, hai bên dự kiến phải đạt thỏa thuận về đánh cá và những cơ chế tương lai cho dịch vụ tài chính và trao đổi dữ liệu. Bà von der Leyen gợi ý rằng những vấn đề này có thể dựa trên một hệ thống tương đồng về quy định, nhưng bà cũng khẳng định điều này là đơn phương và có thể bị bỏ bất kỳ lúc nào.

Thậm chí cả đa số tại Nghị viện của ông Johnson cũng là một điểm yếu. Các nhà lãnh đạo EU thường giành thắng lợi trong các tranh chấp với lý do rằng các cơ quan lập pháp của họ sẽ không đời nào đồng ý, nhưng họ biết là ông Johnson lại không bị ràng buộc bởi điều này.

Hạn chót vào cuối năm cũng đặt ra một vấn đề khác. Những thỏa thuận thương mại toàn diện theo kiểu mà ông Johnson muốn bao giờ cũng là những thỏa thuận “lẫn lộn” đòi hỏi phải được các cơ quan lập pháp khu vực và từng nước thông qua, vốn phải mất nhiều năm chứ không chỉ vài tháng.

Muốn thông qua được trong tháng Một thì đó phải là một thỏa thuận đơn giản và không phụ thuộc vào quy trình trên. Điều đó có nghĩa là chỉ có thỏa thuận về thương mại, trong khi không đạt được gì về dịch vụ, an ninh và những vấn đề khác.

Và việc ông Johnson khăng khăng rằng Anh phải được tự do tách khỏi các quy định của EU chỉ càng gây khó khăn hơn cho việc thực hiện đúng nghị trình. Không loại trừ khả năng Anh sẽ chỉ tách khỏi các quy định của EU về nguyên tắc chứ không phải trên thực tế, vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn giữ các quy định của EU hơn là áp dụng một hệ thống hoàn toàn mới.

Một số quan chức chính phủ gợi ý gây thêm áp lực với Brussels bằng cách mở những cuộc đàm phán thương mại với các nước khác, nhất là Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục "mời gọi", nhưng những người am hiểu thương mại đều biết rằng người Mỹ còn cứng rắn hơn cả EU.

Mỹ chắc chắn sẽ đòi Anh phải chấp nhận thực phẩm của mình. Đây là điều chắc chắn sẽ gây tổn hại đến bất kỳ thỏa thuận nào với EU, vì châu Âu cấm hầu hết thực phẩm Mỹ với lý do sức khỏe. Bất kỳ bên thứ ba nào cũng muốn xem Anh giải quyết thương mại với EU như thế nào trước khi ký kết thỏa thuận song phương.

Kết luận là nếu ông Johnson muốn thực hiện được mốc thời gian chuyển tiếp hoặc ý đồ tách khỏi quy định EU, ông sẽ chỉ có được một thỏa thuận khung cơ bản về thương mại tự do đối với hàng hóa, chứ chưa loại bỏ những rào cản về quy định.

Thỏa thuận này có thể được mở rộng trong các cuộc đàm phán tương lai, nhưng chỉ sau khi dỡ tung mối quan hệ chặt chẽ hiện tại. Kịch bản khác là rời EU sau ngày 31/12 mà không có thỏa thuận thương mại nào, nhưng điều đó có nghĩa là thương mại giữa hai bên sẽ bị cả thuế quan, hạn ngạch và rào cản quy định.

Những ngành kinh tế bị tác động mạnh nhất là hàng không, ô tô, hóa chất, thực phẩm và đồ uống, dược phẩm…, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ổn định từ châu Âu. Các ngành này tập trung ở vùng miền Trung và phía Bắc – chính là nơi ông Johnson giành được đa số ủng hộ. Nếu những điểm yếu trong đàm phán khiến ông mất điểm tại những khu vực này, quyền lực của ông ở trong nước cũng sẽ bị đe dọa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục