BRICS đi đầu trong dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu

16:49' - 14/10/2016
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ diễn ra ở thành phố Goa, miền Tây Ấn Độ từ ngày 15-16/10.
BRICS đi đầu trong dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: goacom.com

Hội nghị năm nay có chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể” và là diễn đàn để các nhà lãnh đạo trong khối này thảo luận về những triển vọng và thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu, vai trò của BRICS trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng toàn cầu, hợp tác trong BRICS cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác.
Đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các nước trong BRICS có thể thảo luận về một số những thách thức toàn cầu, trong đó có khủng bố, buôn bán ma túy và tham nhũng, cũng như giải quyết những cuộc xung đột và đảm bảo an ninh thông tin toàn cầu.

Ông Putin còn nhấn mạnh đến việc cần phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có việc kích hoạt một dịch vụ cổng điện tử cho các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ trong BRICS.
Cũng theo Tổng thống Putin, kể từ khi thành lập, BRICS đã đạt được nhiều thành tựu và sẽ tiếp tục là một thế lực trong các vấn đề toàn cầu. Ông Putin còn khẳng định việc thành lập Ngân hàng phát triển mới (NDB) với tổng số vốn 200 tỷ USD là minh chứng cụ thể cho sự hợp tác của BRICS trong bối cảnh NDB đã phê chuẩn một loạt các dự án đầu tiên ở tất cả 5 nước.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chung của khối này lên tới 16.000 tỷ USD (tương đương với 22% GDP của toàn thế giới) và có dân số lên tới hơn 3 tỷ người (chiếm khoảng 45% dân số thế giới). Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tăng cường sự hợp tác kinh tế nội khối và những nỗ lực tập thể của các nước thành viên trong thúc đẩy ổn định kinh tế toàn cầu và thịnh vượng trên thế giới.

Theo Chủ tịch Hội đồng kinh doanh BRICS Onkar Kanwar, các nền kinh tế BRICS sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ động trong việc định hình cấu trúc toàn cầu về tăng trưởng và phát triển. Các nước BRICS đã phát triển đáng kể trong những năm qua và đang đóng vai trò hiệu quả hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu khoa học con người Nam Phi, Yazini April nhận định, BRICS sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, BRICS cũng đang phải đối mặt với một số thách thức như khoảng cách thu nhập lớn, tài chính thiếu minh bạch và cơ sở hạ tầng không đồng đều. Bên cạnh đó còn là môi trường kinh tế bên ngoài không thuận lợi khiến cho tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi chững lại.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, Arun Jaitley, ngày 13/10 đã bày tỏ quan ngại về các phong trào bảo hộ thương mại ở nhiều nơi trong thế giới phát triển. Ông lấy dẫn chứng về việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu năm nay trong một cuộc trưng cầu dân ý và những phát biểu phản đối tự do thương mại trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ gần đây để chứng minh cho việc này.

Phát biểu tại Hội chợ thương mại BRICS lần đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô New Delhi từ ngày 12-14/10, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Shitharaman cho rằng các nước thành viên của BRICS cần phải tìm ra các cách thức đổi mới để thúc đẩy thương mại nội khối do thương mại giữa các nước trong khối chiếm chưa đầy 5% thương mại toàn cầu.
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết chính phủ nước này đã xây dựng một chương trình nghị sự 5 điểm cho Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2016. Năm điểm này là việc xây dựng thể chế, thực thi, hội nhập, đổi mới và tiếp nối. Dựa trên chương trình nghị sự này, các đề xuất và thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2015 sẽ là ưu tiên chính trong hội nghị lần này với mục tiêu là biến những đề xuất này thành các giải pháp cụ thể.

Đây là lần thứ hai Ấn Độ chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS, sau khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 4 được tổ chức tại New Delhi năm 2012. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng GPD dự kiến đạt mức 7,6% trong tài khóa 2016-2017 còn nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng ảm đạm.

Với việc chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, Ấn Độ đã có cơ hội tốt để thúc đẩy chương trình nghị sự nhằm tăng cường đầu tư vào những dự án ưu tiên của nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và thảo luận về các rào cản thương mại. Ấn Độ dự kiến sẽ tìm kiếm hợp tác về các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật cũng như đề xuất một cơ chế giải quyết các vấn đề hàng rào phi thuế quan làm tổn hại đến thương mại giữa các nước thành viên trong khối.

New Delhi nhiều khả năng sẽ tận dụng hội nghị lần này để tăng cường mối quan hệ đa phương và song phương hiện nay giữa các nước thành viên và nỗ lực thúc đẩy tính cạnh tranh cũng như tăng trưởng của các nền kinh tế BRICS.

Các diễn đàn giống như BRICS sẽ giúp đưa các nước xích lại gần nhau và phối hợp các cách tiếp cận để tháo gỡ những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Trên cương vị chủ tịch, Ấn Độ có cơ hội để đưa các nước trong BRICS đi đúng hướng trong khi mang lại nhiều cơ hội cho chính mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục