Brexit: Những cảnh báo của giới ngân hàng trước giờ G

20:19' - 22/06/2016
BNEWS Những tác động đa chiều đối với các thị trường cũng như nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh là rất khó dự đoán.
Brexit: Những cảnh báo của giới ngân hàng trước giờ G. Ảnh minh họa: brecorder

Trong khuôn khổ cuộc họp định kỳ với Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ tại Brussels (CEMA), Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 21/6 nói ngân hàng này đã sẵn sàng đối mặt với mọi kịch bản của cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6.

Mặc dù vậy, quan chức ECB vẫn thừa nhận rằng những tác động đa chiều đối với các thị trường cũng như nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh là rất khó dự đoán.

Theo Chủ tịch Draghi, các ngân hàng trung ương hàng đầu Eurozone đã bàn bạc rất nhiều về vấn đề Brexit trên tất cả các khía cạnh tài chính kinh tế, luật pháp cũng như chính trị để có thể đánh giá, quản lý những rủi ro có thể xảy đến.

Trong khi đó, không được lạc quan như ECB, các ngân hàng lớn của châu Âu lại đồng loạt lên tiếng về những ảnh hưởng tiêu cực của Brexit chỉ vài ngày trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. UBS ngày 21/6 đã cảnh báo khách hàng rằng các yêu cầu của họ thông qua hệ thống giao dịch điện tử có thể sẽ không thực hiện được nếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Vương quốc Anh làm gián đoạn khả năng thành khoản và tạo ra bất ổn cho ngân hàng.

Theo UBS, bất kể cuộc trưng cầu dân ý nghiêng về kết quả nào thì các thị trường vẫn sẽ trải qua những bất ổn nhất định, với khối lượng giao dịch bị ảnh hưởng có thể tác động đến khả năng của ngân hàng trong việc thực hiện yêu cầu của khách hàng.

Trước đó, ngân hàng ING của Hà Lan và Societe Generale của Pháp cũng đã gửi những lá thư tương tự đến khách hàng của họ, cho thấy “sức nóng” của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 không chỉ gói gọn trong nội bộ nước Anh mà đã lan ra khắp khu vực.

Trong khi đó, “người đồng hương” của UBS là ngân hàng Credit Suisse thì “dọa” sẽ điều chỉnh hạ dự báo về chỉ số chứng khoán FTSE 100 của nước Anh vào cuối năm nay thêm khoảng 6%, xuống chỉ còn 6.200 điểm từ mức 6.600 điểm trước đó, nếu người dân “xứ sở sương mù” vẫn quyết tâm rời xa EU. Ngoài ra, chỉ số S&P 500 của Phố Wall và chỉ số Euro Stoxx 50 trong khu vực Eurozone cũng sẽ lần lượt bị hạ xuống chỉ còn 2.000 điểm và 2.950 điểm từ mức 2.150 điểm và 3.350 điểm.

Ủy viên về các dịch vụ tài chính của EU Jonathan Hill ngày 22/6 cũng cảnh báo rằng các ngân hàng có thể sẽ phải phân bổ lại các đầu việc từ London sang những địa điểm mới của châu Âu như Frankfurt và Paris nếu kịch bản Brexit trở thành sự thật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục