Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Gậy ông đập lưng ông" nếu găm hàng, thổi giá thịt lợn

18:53' - 22/12/2019
BNEWS Việc đưa giá lên cao qua mức sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Nếu giá cao qua, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác, hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về.

Trong cuộc kiểm tra thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái đàn lợn.. chuẩn bị nguồn cung phục vụ Tết và sau Tết tại Bắc Giang ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có chia sẻ với báo chí về tình hình thúc đẩy sản xuất cũng như tái đàn lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh và các giải pháp để làm sao thịt lợn có mức giá hợp lý với người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá thế nào về nguồn cung thực phẩm cũng như tình hình tái đàn lợn hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Qua quá trình kiểm tra việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi để đảm bảo nguồn thực phẩm Tết và sau Tết, chúng tôi thấy các địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung tăng cường sản xuất đa dạng các loại thực phẩm. Điển hình là gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng hơn 6% và đại gia súc tăng 4,5%. Như vậy có thể khẳng định rằng, tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào.
Riêng về tái đàn lợn, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi giảm xuống mức có thể kiểm soát được, các địa phương đang tăng tốc tái đàn. Điều đáng biểu dương là các địa phương đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nông dân tái đàn. Qua kiểm tra cho thấy, ở công ty lớn hay trang trại quy mô gia đình đều đảm bảo rất nghiêm ngặt quy trình đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
Qua kinh nghiệm của bài học từ dịch tả lợn châu Phi này, bà con đã có quy trình kiểm soát rất nghiêm ngặt, xử lý môi trường tốt. Điều này cho thấy, nhận thức của bà con rất cao về chăn nuôi an toàn sinh học. Chính vì vây, chúng tôi tin tưởng việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ xác suất về dịch bệnh với những cơ sở đảm bảo an toàn sinh học như vậy. Điều này sẽ đóng góp một phần vào việc thiếu hụt thịt lợn cuối năm.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn nhanh nhưng cũng phải đảm bảo an toàn để sản xuất có lợi nhuận, không có rủi ro.
Thời gian tới, ngành sẽ tổng kết Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng chiến lược chăn nuôi mới cho từ năm 2020 trở đi với các giải pháp căn cốt và lâu dài để đảm bảo những dịch lớn như vừa qua được giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Phóng viên: Với lượng sản phẩm thịt lợn thiếu hụt, Bộ có giải pháp như thế nào để khắc phục ngoài việc tăng đàn?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Có 3 giải pháp. Đầu tiên là tăng cường sản xuất. Đây là giải pháp chắc nhất, bền vững nhất và hiệu quả nhất. Các nhóm sản phẩm đều phải tăng, không chỉ là thịt lợn vì tăng không chỉ cho tiêu dùng mà còn cho xuất khẩu. Hiện thủy sản, thịt gà đang có tiềm năng xuất khẩu khá tốt. Việc tăng này có hai chủ đích là tăng cho xuất khẩu và đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là cuối năm thường có nhu cần tăng cao hơn.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh, không để lây nhiễm qua các con đường. Cùng với đó là cần đảm bảo khâu thương mại, không để chuộc lợi, không để găm hàng. Việc găm hàng là có hại ngay cho người găm hàng. Vì khi quá lứa thì hiệu quả sẽ giảm do hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi.
Nếu như ai cũng găm hàng thì đến một lúc nào đó sẽ có nguy cơ đổ giá. Do đó, bên cạnh vấn đề tăng sản xuất an toàn thì vấn đề thương mại cần chú để để đảm bảo đúng quy luật thị trường.
Cuối cùng, về chiến lược lâu dài, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi mới sẽ cần làm sao phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, để đảm bảo kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn. Người tiêu dùng cần chuyển hướng để nhu cầu tiêu dùng hài hòa với các nhóm thực phẩm. Đây không phải vì dịch tả lợn châu Phi mà vì một nhu cầu thực phẩm cần bằng, hợp lý, khoa học có lợi cho sức khỏe; đồng thời có lợi cho bền vững trước các nguy cơ biến động rủi do.

Phóng viên: Sau cuộc họp của Bộ trưởng với các doanh nghiệp lớn trong chăn nuôi ngày 18/11 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn tăng giá lợn. Trước tình trạng này, Bộ có tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp này để chung tay bình ổn giá?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải khẳng định, giá cả là do quy luật thị trường. Hiện nay các công ty chăn nuôi lớn đang là hạt nhân với 109.000 lợn cụ kỵ, ông bà và chiếm lượng lớn trong 2,5 triệu con lợn nái. Đây là các đơn vị thực hiện tổ chức quy trình sản xuất an toàn sinh học rất tốt nên giữ được đàn lợn hạt nhân và thương phẩm lớn.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm là hạt nhân không chỉ trong cung ứng những sản phẩm như con giống, thức ăn tốt nhất mà còn làm chủ để dẫn dắt về thị trường, nhưng tránh đưa giá lên cao quá mức.
Việc đưa giá lên cao qua mức sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Nếu giá cao qua, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác, hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà.
Về quy luật kinh tế, càng kéo dài càng phi kinh tế về tổng thể. Do đó, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp nên tuân thủ đúng quy luật thị trường. Bởi các doanh nghiệp được coi là hạt nhân vì có kỹ thuật, công nghệ, giống tốt, sức sản xuất tốt thì cần gương mẫu, làm chủ dẫn dắt thị trường không chỉ về các hàng hóa dịch vụ mà kể cả về giá, đảm bảo đúng quy luật thị trường cơ lợi nhưng hợp lý.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, giá lợn bị đẩy lên cao một phần do khâu trung gian tiêu thụ thịt lợn đẩy giá. Theo Bộ trưởng, làm thế nào có được giá hợp lý, giảm bớt khâu trung gian để đảm bảo tới tay người tiêu dùng mức giá hợp lý nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, khâu trung gian trong phân phối sản phẩm lợn còn rất nhiều. Về khách quan là do giá cao nên sản lượng, dịch vụ ít ngẫu nhiên sẽ đẩy giá lên một phần. Nhưng vẫn còn nhiều khâu trung gian khác. Các ngành chức năng cũng như các đơn vị sản xuất, phân phối cần cố gắng làm sao giữa khâu sản xuất đến khâu thương mại, tiêu dùng càng gần càng tốt.
Trong chuỗi đó, đề nghị các địa phương, đặc biệt là ngành công thương có sự phối kết hợp trong chỉ đạo để đảm bảo khâu phân phối ngắn nhất, không có khâu trung gian đẩy giá để người tiêu dùng chấp nhận được. Khi người tiêu dùng chấp nhận được cũng có nghĩa là người sản xuất có lợi. Hai bên gặp nhau thì sẽ ra ngưỡng giá tích cực nhất.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục