Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý

12:25' - 04/07/2019
BNEWS Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đẫ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thực chất về điều kiện kinh doanh, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố được tổ chức sáng 4/7, ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn, tập huấn cho các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan và doanh nghiệp về những cải cách điều kiện kinh doanh (thực hiện trước tháng 8/2019); đồng thời, đề xuất và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Bộ trưởng cũng lưu ý các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện rà soát, đánh giá và báo cáo về cải cách điều kiện kinh doanh nhằm thống nhất về phương pháp và cách thức thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cải cách tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, giám sát sát sao việc triển khai các cải cách về điều kiện kinh doanh đã được ban hành; đảm bảo thực thi nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp thực thi; đồng thời, khẩn trương cập nhật thông tin về các cải cách điều kiện kinh doanh được thực thi ở cấp địa phương; đảm bảo các cơ quan, đơn vị liên quan nắm rõ và thực thi hiệu quả những cải cách này…

“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp.”, Bộ trưởng đề nghị.

Liên quan tới việc thực hiện cải cách, bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (Nghị quyết 02), từ tháng 2/2018 đến tháng 2/2019, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh.

Trong những tháng đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật Đầu tư (đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có một số bộ đề xuất sửa đổi riêng từng Nghị định, nhưng đến nay vẫn còn Nghị định chưa được ban hành, ví dụ như: Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 dự thảo Nghị định; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cùng đề xuất 1 dự thảo…. Ngoài ra, theo kế hoạch rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số bộ còn đề xuất kế hoạch sửa các Luật liên quan.

Ngoài ra, tại Nghị quyết số 02 yêu cầu các bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ hiện chưa nhận được thông tin rõ ràng về nội dung cũng như tiến độ sửa đổi các luật như đề xuất của các bộ có liên quan.

Đáng chú ý là qua quá trình theo dõi cho thấy, một số bộ tích cực thực hiện rà soát và có các kiến nghị thích hợp để nội dung rà soát điều kiện kinh doanh đạt kết quả như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế,… Trong khi đó, một số bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt tỷ lệ thấp (như Bộ Công an), nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được thông tin nào của Bộ Công an trong cải cách điều kiện kinh doanh cũng như báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như chưa được hiện thực hoá ở cấp độ thực thi.

“Do đó, các bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để đảm bảo các cải cách về điều kiện kinh doanh được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục