Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến Thủ tướng về trả nợ gốc dự án Cát Linh – Hà Đông

17:34' - 05/02/2020
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản số 774/BGTVT-KHĐT gửi Chính phủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải cho hay, theo cơ chế tài chính của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng dự án.

Nghĩa vụ này chỉ kết thúc khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội khai thác và tiếp nhận nghĩa vụ nợ liên quan.
“Với cơ chế tài chính như trên và trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc cho tới khi bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội”, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện đã trả nợ gốc khoản vay lại (của Hiệp định 1,2 tỷ NDT và Hiệp định 250 triệu USD) với tổng số tiền là trên 398 tỷ đồng.

Số tiền trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư chỉ còn hơn 1,9 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến nợ gốc trong năm 2020 của dự án này, Bộ Giao thông Vận tải phải bố trí trả là hơn 152 tỷ đồng.
Với khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và chưa xác định chính xác thời gian hoàn thành bàn giao cho thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án Đường sắt (đại diện chủ đầu tư) kiến nghị cho giãn nợ tới khi hoàn thành dự án và bàn giao nghĩa vụ nợ cho thành phố Hà Nội.
Điều này nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các Hiệp định đã ký. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định liên quan tới thủ tục và việc tăng tổng mức đầu tư chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, kèm theo đề xuất Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí ngân sách để trả nợ nước ngoài khoản vay lại của dự án theo đúng hạn, đảm bảo uy tín trả nợ của Chính phủ.
Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, liên Bộ: Giao thông Vận tải - Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư đã họp và thống nhất phương án bố trí vốn trả nợ gốc khoản vay lại cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay 250 triệu USD của dự án này. Khoản kinh phí này đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước mới có thể giải ngân.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án. Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để tháo gỡ về mặt thủ tục.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng) bằng vốn vay ODA của Trung Quốc. Dự án được khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016, nhưng đến nay vẫn tiếp tục chậm tiến độ và chưa biết ngày nào đưa vào khai thác, dù đã lùi thời hạn về đích nhiều lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục