Bộ Công Thương: Việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm

16:55' - 12/12/2018
BNEWS Vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á; trong đó có thị trường Việt Nam (vụ việc cạnh tranh) đã chính thức kết thúc và khép lại sau khi đã được điều tra cụ thể.
Biểu tượng Grab và Uber. Ảnh: BBC/TTXVN
Thông tin này vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố vào chiều nay 12/12.
Theo đó, căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể là hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định như trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh và mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, ngày 30 tháng 11 năm 2018, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục