Bộ Công Thương tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính

16:06' - 15/01/2018
BNEWS Bộ Công Thương đã gạt bỏ lợi ích cục bộ, trở thành Bộ tiên phong trong cắt giảm thủ tục hành chính, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đề xuất cắt bỏ hàng loạt thủ tục điều kiện kinh doanh.

 Với mục tiêu chinh phục đỉnh cao mới, Bộ Công Thương xác định năm 2018 sẽ là năm bản lề và là bước ngoặt cho quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm.

Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao cho năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là "điểm nghẽn", là hạn chế của ngành. Cùng đó, phát huy những thuận lợi, kết quả tích cực đã đạt được trong những năm vừa qua nhằm tạo sức bật và bước phát triển mới.

Tiên phong trong cắt giảm thủ tục

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương sáng 15/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Công Thương đã biết gạt bỏ lợi ích cục bộ, trở thành Bộ tiên phong trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đề xuất cắt bỏ hàng loạt thủ tục điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng cho hay, ngay trong sáng nay 15/1 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Năm 2017, tất cả các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương đều thực hiện đạt và vượt; trong đó, nhiều chỉ tiêu có mức vượt, đóng góp tích cực vào kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,4%. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao tăng 14,5%, là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.

Không dừng lại ở đó, đây cũng là năm đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp. Nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Việc khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được Bộ Công Thương tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ thể. Điển hình là việc thoái vốn rất thành công tại Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đang tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã khẩn trương hoàn thiện Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, các dự án đều đã có lộ trình xử lý cụ thể...

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thực hiện Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao các đơn vị thuộc Bộ tiến hành rà soát, tập trung đề xuất các biện pháp mới hoặc đổi mới cách thức thực hiện các biện pháp hiện có để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trong các lĩnh vực.

Lắng nghe doanh nghiệp

Để có thể thực hiện được yêu cầu nhiệm vụ rất thách thức đặt ra cho năm 2018, ông Dương Duy Hưng đã nêu 3 bài học lớn là cần phải kiên trì, bám sát mục tiêu đề ra, bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng, xử lý kịp thời. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, lắng nghe doanh nghiệp, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Dương Duy Hưng cho biết, năm 2017 đã có lúc Bộ Công Thương, ngành công thương gặp phải rất nhiều khó khăn, cả từ trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ, đến những khó khăn trong sản xuất ở nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt là thời điểm tháng 4 - 5, thậm chí đến cả giai đoạn tháng 7 - 8, chỉ số tiêu thụ của nhiều ngành công nghiệp ở mức thấp, chỉ số tồn kho hàng hóa tăng, xuất khẩu ở nhiều thị trường tiếp tục gặp không ít khó khăn.

Không những thế, quá trình tái cơ cấu, điều chỉnh các qui định quản lý trong các lĩnh vực của ngành công thương có thể nói còn gặp không ít nghi ngại... nhưng Bộ Công Thương vẫn bám sát mục tiêu đề ra từ đầu năm, nỗ lực triển khai và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần cải cách được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Dương Duy Hưng cho rằng, nhất định phải cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp lớn thành các nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình, thời hạn thực hiện cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.

Cùng với đó, việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo để kịp thời xử lý các vấn đề khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cần được đặc biệt lưu ý. Ngoài ra, các lãnh đạo các đơn vị trong ngành công thương quán triệt tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nêu, đó là chủ trương 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20.

Đơn cử ngay trong quá trình tham gia xây dựng nội dung Nghị quyết số 01/2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu và xác định những nội dung nhiệm vụ cụ thể để xây dựng Chương trình hành động.

Trên cơ sở này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 01 ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 53/QĐ-BCT ngày 08/01/2018 ban hành để quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong ngành Công Thương một cách thực chất, cụ thể trong năm 2018.

Đặc biệt, theo ông Dương Duy Hưng phải lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm của quá trình đổi mới, tái cơ cấu trong các lĩnh vực hoạt động, quản lý của ngành công thương.

Bài học thành công từ chủ trương và từ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thể hiện ở Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần được các đơn vị trong ngành phát huy và tập trung triển khai trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều này nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Mặc khác, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành công thương một cách thực chất; thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Hội nghị tổng kết ngành công thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành công thương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm việc Bộ Công Thương khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước nhất là Tập đoàn, Tổng Công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia.

Bởi theo Thủ tướng, đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, vừa là giải pháp lâu dài để đẩy mạnh tái cơ cấu, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục