Bộ Công Thương: Sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu được giao năm 2018

18:27' - 17/10/2018
BNEWS Chiều 17/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ sau hơn 1 năm (14/7/2017) không tiến hành họp báo thường kỳ theo quy định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN 

Chia sẻ về sự chậm trễ này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương thực hiện khá nhiều nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Mặc dù không tổ chức họp báo, nhưng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có sự tương tác qua điện thoại với các cơ quan báo chí để có thể giải đáp yêu cầu một cách nhanh nhất.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quy chế phát ngôn. Do vậy, tới đây nhiều nhất là 3 tháng Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp báo thường kỳ và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân.
Liên quan đến tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam đã có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD và động lực này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI.
Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, tại nhiều thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA có mức tăng trưởng kim ngạch cao như ASEAN tăng 16%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Áo tăng trên 25%...
Không dừng lại ở đó, khá nhiều thị trường tăng trưởng giúp Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại đạt 5,39 tỉ USD. Việc kiểm soát cán cân thương mại cũng giúp tăng thặng dư ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỉ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự báo năm 2018 tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Chính phủ giao.
Trả lời báo chí về kết luận xử lý một số cá nhân liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Con Cưng gồm: 2 Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm quy định về phát ngôn, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, ngày 16/10, Bộ đã báo cáo Chính phủ tổng thể về việc này.

Dù vậy, Bộ vẫn đang lấy ý kiến các bên liên quan đến kết luận của Bộ về việc kiến nghị xem xét xử lý vi phạm kỷ luật đối với một số cá nhân là lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cả về mặt Đảng và chính quyền.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, khen thưởng, kỷ luật đều có trình tự thủ tục và lắng nghe ý kiến cá nhân, đơn vị liên quan và sau đó đánh giá xem xét, ban hành quyết định kỷ luật. Vì thế, sau khi có ý kiến Bộ Công Thương mới ban hành quyết định kỷ luật và sẽ thông tin kịp thời khi có kết quả cụ thể.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, mặc dù chủ trương là "cắt giảm" bộ máy, nhưng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung thì tình trạng gian lận thương mại nói riêng cũng ngày càng gia tăng.
Hiện nay, gian lận thương mại không dừng lại ở mức độ đơn lẻ mà đã lan rộng ra liên tỉnh, liên vùng, đỏi hỏi phải tổ chức lại bộ máy cũng như một lực lượng mới sau hơn 60 năm hoạt động theo mô hình cũ.
Ông Trần Hữu Linh chia sẻ thêm, phòng chống gian lận thương mại là việc của liên ngành, nhưng quản lý thị trường là lực lượng chủ công; trong khi các lực lượng khác như: Công an, Biên phòng… đều là ngành dọc nên việc thành lập Tổng Cục Quản lý thị trường là điều tất yếu để phối hợp liên ngành.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy sao cho tinh gọn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đơn cử như cả nước có 681 đội quản lý thị trường, nhưng ngay trong ngày thành lập Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã cắt giảm ngay 164 đội.

Dự kiến đến năm 2019 sẽ xây dựng mô hình các đội liên tịch và năm 2020 sẽ cắt giảm 375 đội quản lý thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục