Bộ Công Thương: Biểu giá điện 5 bậc, chỉ 1,8% khách hàng phải trả tiền cao hơn

17:17' - 28/02/2020
BNEWS Trên cơ sở báo cáo của EVN, ý kiến của các chuyên gia, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, kiểm tra và đề ra 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Nhân viên Điện lực ghi chỉ số điện. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Nhiều ý kiến lo ngại, với phương án được đề ra, giá điện sẽ tăng trong thời gian tới.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chiều nay 28/2, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có buổi trao đổi với báo chí.
Phóng viên: Xin ông cho biết, lý do tại sao Bộ Công Thương đề xuất thay đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các kỳ họp Quốc hội... trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều ý kiến về việc xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trên cơ sở ý kiến của các khách hàng, Bộ Công Thương cũng nhận được chỉ đạo của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, xem xét, đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt.
Theo đó, Bộ Công Thương phải nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng xem xét Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đó chính là lý do mà lần này Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, tập thể, các đơn vị về Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 3/2020.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt này có cả việc tăng giá điện hay không và nguyên tắc của lần cải tiến này là gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này phải khẳng định là chúng tôi giữ nguyên mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được ban hành theo Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện.

Vì vậy, việc điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này chỉ với mục đích là điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng, chứ không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt.
Ngoài ra, nguyên tắc khi Bộ thực hiện điều chỉnh là phải phù hợp với thực tế sử dụng điện. Hai là không làm thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt. Thứ ba là đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào mùa nắng nóng, không tăng đột biến.
Phóng viên: Trong việc điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này, tại sao Bộ Công Thương lại đề nghị xem xét phương án giảm từ 6 bậc thang xuống 5 bậc thang và hiệu quả của phương án này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước tiên để xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã cho thống kê thực tế sản lượng điện của các khách hàng trong thời gian vừa qua.
Theo đó, hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng; trên 18 triệu hộ, chiếm 72% tỷ lệ khách hàng dùng từ 50-300 kWh/tháng, tương ứng khoảng 60% tổng sản lượng.

Số khách hàng trên 700 kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1,7% với sản lượng tiêu thụ khoảng 13%.
Trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, kiểm tra và đề ra 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó có phương án 1 bậc (tất cả các khách hàng sinh hoạt áp dụng chung 1 mức giá), 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc. Riêng phương án 5 bậc có 2 phương án khác nhau.
Việc thay đổi các bậc thang này phải bám sát với mức giá điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt. Như vậy, việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang thực chất không phải là điều chỉnh giá điện mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các khách hàng.
Với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng. Tất cả các phương án được đưa ra đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung là các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi.
Cụ thể, với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc thì các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng, chiếm tỷ lệ 87% khách hàng lại bị thiệt, không thực hiện mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đồng thời ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách bị tăng lên.
Đối với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn 5 bậc, phương án này khắc phục được các nhược điểm nêu trên là hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được nhà nước hỗ trợ, với khoảng 1,8 triệu hộ, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.
Tuy nhiên, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Tổng số chỉ 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng phải trả cao hơn.
Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến rộng rãi tới 155 đơn vị bao gồm các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng... Trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và hoàn chỉnh phương án, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thì Bộ Công Thương sẽ ban hành biểu giá mới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục