Bình ổn thị trường Tây Nam bộ: Mục tiêu tránh “lũng đoạn” thị trường

15:56' - 30/12/2019
BNEWS Sự phối hợp liên kết hỗ trợ không nằm ngoài mục tiêu tránh “lũng đoạn” thị trường, nếu có sự tương tác và đồng nhất sẽ tăng hiệu quả bình ổn thị trường.
Một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm mãng cầu của Tây Ninh tại Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ngày 30/12, tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam bộ năm 2019, do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, đại diện nhiều tỉnh, thành cho rằng, vùng Tây Nam bộ có lợi thế sản xuất đa dạng nông thủy sản, trái cây, rau củ và đang chuyển hướng đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao của thị trường.

Do đó, các địa phương cần khai thác lợi thế của những mặt hàng chủ lực để triển khai bình ổn thị trường hiệu quả hơn.

Tăng hiệu quả kết nối cung – cầu

Tính đến thời điểm này, hệ thống phân phối tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và Tp. Hồ Chí Minh có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Riêng Tp. Hồ Chí Minh có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thông qua chương trình bình ổn thị trường giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam bộ, nhiều hệ thống phân phối hiện đại của toàn khu vực có sự liên kết chặt chẽ, do hầu hết được đầu tư bởi một số nhà bán lẻ có tiềm lực lớn.

Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng thu mua, tiêu thụ sản phẩm, bình ổn thị trường tại nhiều địa phương.

Đánh giá về chương trình bình ổn giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam bộ trong thời gian qua, đại diện Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho rằng, ngoài kết quả tích cực đã đạt được, những hoạt động liên kết, kết nối của chương trình chưa thường xuyên và liên tục.

Cụ thể, chỉ mới có Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ tổ chức chương trình kết nối sản xuất – phân phối – cung cầu.

Riêng những tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa có chương trình liên kết, kết nối cụ thể. Bên cạnh đó, việc phối hợp trao đổi thông tin, giá cả thị trường… giữa các sở công thương chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tại nhiều địa phương là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không trực tiếp sản xuất, mà chủ yếu mua hàng từ tuyến trên bán lại cho người tiêu dùng nên phụ thuộc vào giá cả thị trường.

Mặt khác, doanh nghiệp chưa thiết lập được nhiều điểm bán hàng bình ổn, nên ảnh hưởng đến việc phân phối và đưa hàng bình ổn đến người dân.

Theo ông Phan Lợi, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, thực hiện chương trình chương trình bình ổn giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam bộ, địa phương tham gia phải chú trọng ưu tiên liên kết, hợp tác trong phối hợp xây dựng những chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản, thủy sản; chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Phát huy chuỗi liên kết, sở, ngành liên quan tiếp tục làm cầu nối giới thiệu doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất găn với tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã tại địa phương.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho rằng, sự phối hợp liên kết hỗ trợ không nằm ngoài mục tiêu tránh “lũng đoạn” thị trường, nếu có sự tương tác và đồng nhất như vậy không chỉ phát huy vai trò của ngành công thương, mà còn tăng hiệu quả bình ổn thị trường.

Mặt khác, nếu từng địa phương bình ổn thị trường riêng lẻ thì sẽ không hiệu quả bằng việc có sự liên kết sâu rộng hơn giữa các tỉnh, thành.

Xây dựng đầu mối tiêu thụ

Hiện tại, Tp. Hồ Chí Minh, ngoài việc vận động tất cả hệ thống phân phối hiện đại tham giá, mạng lưới chợ truyển thống cũng đã trở thành đầu mối tham gia thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với sản phẩm mới, đặc trưng vùng miền.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang từng bước triển khai đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm chủ lực của một số địa phương vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp…

Còn ngược lại, các tỉnh, thành cần trở thành vùng nguyên liệu, quy hoạch sản xuất, lựa chọn nhà cung cấp, kiểm soát sản xuất… cung ứng sản phẩm đúng yêu cầu thị trường, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam bộ thúc đẩy phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm.

Ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, các địa phương phấn đấu 100% hàng hóa được sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm; 100% hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào kinh doanh tại mạng lưới chợ đầu mối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Đây cũng là những mục tiêu hướng đến nâng cao năng lực sản xuất theo phương thức tổ chức thông tin thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường thương mại tự do, đơn vị sản xuất đòi hỏi đáp ứng chuẩn hóa hàng hóa theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Song song đó, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về bao bì, mẫu mã sản phẩm; đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… Nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp và hàng Việt sẽ có cơ hội vươn xa hơn, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Còn bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Chính vì vậy, các địa phương cần phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đủ sức phát huy vai trò kết nối; trong đó, hợp tác xã và tổ hợp tác chú trọng thu hút đơn vị sản xuất địa phương tham gia và định hướng chuỗi sản xuất theo yêu cầu của nhà phân phối, nhà bán lẻ.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sản xuất, hệ thống phân phối tại Tp. Hồ Chí Minh cần thống nhất tiêu chí, cũng như điều kiện thu mua và tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, thương hiệu…

Qua đó, nâng cao trách nhiệm của nhà bán lẻ, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn toàn thực phẩm của thành phố, cũng như người tiêu dùng sẽ được cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục