Bình Dương ưu tiên hàng đầu phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao

14:39' - 17/03/2019
BNEWS Chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Dương.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một trong những địa phương có sức hút về phát triển công nghiệp.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế dần thay đổi...

Tuy nhiên, chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Dương.

Khuyến khích phát triển...

Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh hồi lưu trong nhà màng tại cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN 

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Dương.

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương đến năm 2020.

Theo đề án, từ nay đến năm 2020, nông nghiệp trên địa bàn phía Nam của tỉnh sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị.

Trong đó, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn vùng phía Nam của tỉnh phấn đấu đạt 3.783 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1,6 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con nông dân và các nhà đầu tư được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất vay bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu đối với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân; các trung tâm, viện, trường, trạm, trại nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có phương án, đề án, dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về thời hạn hỗ trợ, được thực hiện theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 5 năm trên một phương án.

Đối với phương án có thời gian thu hồi vốn trên 5 năm thì thời hạn vay ưu đãi có thể kéo dài, song tối đa không quá 10 năm.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thẩm định và quyết định cho vay 75 phương án với tổng mức vốn được duyệt vay 544 tỷ đồng.

Ông Phạm Quốc Liêm, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (chủ đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái) khẳng định, thành công của khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái là nhờ chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương.

Thông qua chính sách hỗ trợ này, Công ty đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển các dự án mở rộng như: đầu tư diện tích trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap, dự án mở rộng 2ha trồng dưa trong nhà kính…

Chính sách hỗ trợ vay vốn của tỉnh không chỉ giúp Công ty có nguồn vốn mở rộng diện tích canh tác mà còn đưa kỹ thuật tiên tiến vào quá trình trồng trột, sản xuất và chế biến.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề hỗ kỹ thuật cho bà con nông dân tham gia mô hình sản xuất hiện đại được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản, mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao hay tổ chức các buổi hội thảo, chuyển giao cho bà con nông dân học tập để áp dụng vào sản xuất, nhân rộng mô hình được tỉnh Bình Dương chú trọng.

Hiệu quả ban đầu

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, những năm qua tỉnh Bình Dương tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến cuối năm 2018, tuy tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 22.180 ha (giảm 4,2% so với năm 2013), nhưng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt trên 4.000 ha, tăng hơn 8 lần.

Với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả sản xuất được nâng lên đáng kể.

Giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp hiện đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm. Đối với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm, nhất là đối với cây ăn trái có múi.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương tạo điều kiện, thu hút đầu tư xây dựng 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tổng diện tích gần 980 ha (1 khu chuyên về trồng trọt và 3 khu chuyên về chăn nuôi) với số vốn đầu tư trên 780 tỷ đồng.

Đặc biệt, các khu nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của địa phương.

Trong đó, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở xã An Thái, huyện Phú Giáo là khu nông nghiệp công nghệ cao về trồng trọt duy nhất trong 4 khu nông nghiệp cao ở tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích 408 ha với vốn đầu tư hiện tại trên 280 tỷ đồng.

Hiện khu nông nghiệp này trồng chủ yếu 3 loại cây là chuối, cây ăn trái có múi và dưa lưới, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như: mô hình trồng dưa lưới đạt doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng chuối già hương đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I cho biết, mỗi năm khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trên 200 tấn dưa lưới.

Hiện Công ty đang chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để tăng giá trị cho nông sản… Các sản phẩm của khu đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, UAE…

Ngoài ra, Công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte, Big C...

Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị ở Bình Dương bước đầu mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, những khó khăn trong đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương cần phải dược tháo gỡ.

Trong đó, giá các mặt hàng nông sản tăng, giảm không ổn định, gây khó khăn trong việc định hướng cho người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm với sản phẩm thông thường nên việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao chưa được sản xuất tại chỗ, còn lệ thuộc vào nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục