Biến hạn chế thành ưu điểm trong canh tác nông nghiệp biến đổi khí hậu

17:23' - 18/08/2018
BNEWS Ngày 18/8, tại Tp. Cần Thơ, Đại học Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị khoa học Nông nghiệp quốc tế "Phát triển nông nghiệp bền vững trong tác động của biến đổi khí hậu: Thách thức và cơ hội".
Hội nghị khoa học "Phát triển nông nghiệp bền vững trong tác động của biến đổi khí hậu: Thách thức và cơ hội". Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN.

Đây là dịp để các nhà khoa học nông nghiệp trong nước và quốc tế công bố các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2016 - 2018 về các lĩnh vực: Khoa học đất; Môi trường và tài nguyên thiên nhiên; Nông học (Công nghệ giống, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, sinh lý - sinh hóa); Khoa học chăn nuôi, thú y; Công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm, quản lý chuỗi giá trị...

PGS. TS. Lê Việt Dũng (Đại học Cần Thơ) nêu quan điểm, sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là sự sụt giảm diện tích canh tác, suy giảm chất lượng nông sản do những tác động của biến đổi khí hậu; đó cũng là những khó khăn về hạn chế trong công nghệ, khiến giá trị cộng thêm, giá trị sau chế biến của hàng nông sản không được cao, khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu nông sản khác.

Do đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần quan tâm đến các mô hình cây-con kết hợp để đảm bảo sử dụng hết thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng không làm bạc màu đất, ô nhiễm nguồn nước.

Mặt khác, cần đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp để gia tăng tối đa các giá trị cộng thêm cho sản phẩm nông nghiệp.

Ông Lê Việt Dũng cũng lấy dẫn chứng, cùng là sản phẩm gạo, trong khi chúng ta chỉ có vài mặt hàng như gạo thô, bún... thì Thái Lan cho ra hơn 120 sản phẩm đa dạng, phong phú, giá thành cao như sữa gạo, bánh gạo...

Cùng quan điểm trên, GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ (Đại học Cần Thơ) lưu ý đến tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước trong quá trình canh tác nông nghiệp. Có như vậy mới có thể hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Bảo Vệ, đặc điểm của hệ sinh thái đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đất trẻ, thấp, bằng phẳng, sông nước. Do đó, đây là vùng đất rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu như: Nước tràn lên đồng gây ngập lụt, sạt lở; nước biển xâm lấn gây ngập mặn...

Bên cạnh những tổn thương do điều kiện tự nhiên, thì tài nguyên đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn suy kiệt do những tác động từ việc canh tác không khoa học, như mô hình lúa 3 vụ/năm. Mô hình này khiến đất bị bạc màu, chai cứng không phục hồi, dịch hại bùng phát...

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Bảo Vệ đề nghị, nên thay thế mô hình lúa 3 vụ/năm sang mô hình lúa 2 vụ/năm, mô hình xen canh cây-con kết hợp... như: tôm - lúa, lúa - màu, cây ăn trái, mía, màu.

Nhà nghiên cứu Lư Ngọc Trâm Anh (Đại học Đồng Tháp) đặt vấn đề "thuận thiên" trong canh tác nông nghiệp. Theo đó, cần tập trung nghiên cứu ra các giống cây/con phù hợp với thổ nhưỡng tự nhiên của từng vùng, đảm bảo tính đa dạng sinh thái, thay vì cải biến tự nhiên để phù hợp với các giống cây/con truyền thống.

Cụ thể, vùng đất ngập mặn tại tỉnh Cà Mau cần ưu tiên phát triển các giống cây chịu mặn cao như mắm, vẹt, đước, bần...kết hợp với nuôi trồng thủy sản chịu mặn ở tầng nước mặt như tôm, cua... sẽ giúp phát huy hết thế mạnh của vùng đất này, thay vì tính đến giải pháp lọc nước mặn thành nước ngọt để tưới tiêu, canh tác lúa...

Đây chính là tư duy biến hạn chế thành ưu điểm, biến thách thức thành cơ hội trong canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tương tự như vậy, tác giả Nguyễn Thị Hải Lý (Đại học Đồng Tháp) đề xuất mô hình trồng phân bố thực vật bậc cao theo điều kiện môi trường đất ở vùng đồi núi thấp tỉnh An Giang.

Cụ thể, thổ nhưỡng nơi đây có ba loại đất: đất vàng macma, đất xói mòn, đất xám macma. Nếu chỉ trồng một loại cây trên cả ba loại đất sẽ không cho hiệu quả như mong muốn, thậm chí làm "chết" đất.

Do đó, ở đất vàng macma nên trồng cây xoài, điều; đất xói mòn nên trồng cây mít, chuối; đất xám macma thích hợp trồng trồng lúa, khoai mì.../.

Xem thêm:

>>Cần có mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới cho kinh tế hộ

>>Nông nghiệp hữu cơ: Cần giải quyết bài toán thương hiệu và phân phối

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục