BIDV báo lãi "khiêm tốn" nửa đầu năm 2019

10:53' - 30/07/2019
BNEWS Với mức lợi nhuận khiêm tốn vừa công bố, BIDV đã rời khỏi top 3 trên bảng xếp hạng lợi nhuận tính đến thời điểm này.
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh vẫn là yếu tố chính dẫn đến kết quả kém khả quan của BIDV. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố, lợi nhuận trước thuế quý vừa qua của ngân hàng chỉ đạt 2.251 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ghi nhận mức 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với mức lợi nhuận khiêm tốn này, BIDV đã rời khỏi top 3 trên bảng xếp hạng lợi nhuận tính đến thời điểm này sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh vẫn là yếu tố chính dẫn đến kết quả kém khả quan của BIDV. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II của ngân hàng lên đến 5.524 tỷ đồng, tăng mạnh 38%. Lũy kế nửa đầu năm, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro đến hơn 10.710 tỷ đồng, chiếm hơn 2/3 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Tính đến ngày 30/6/2019, nợ xấu nội bảng của BIDV là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm gần một nửa, tăng mạnh tới 46%, lên 10.492 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ giảm gần 27%, xuống 4.524 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 12%, lên 6.105 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên 1,98% so với mức 1,9% hồi đầu năm.

Cũng theo báo cáo trên, đến hết tháng 6/2019, tổng tài sản của BIDV vượt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Tổng huy động vốn của ngân hàng đạt gần 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng 7,5% khi dư nợ đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng. Trong đó, phát hành giấy tờ có giá tăng hơn 22%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của BIDV chỉ tăng 3%, đạt gần 22.700 tỷ đồng. Nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tại BIDV chỉ tăng nhẹ 1,2%, lên mức 17.683 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 14%, mang về 1.968 tỷ đồng.

Đặc biệt, kinh doanh ngoại hối và lãi từ hoạt động khác lại là 2 mảng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của ngân hàng khi lần lượt tăng 68% và 49%, đạt lãi 735 tỷ và 2.375 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm mạnh xuống còn 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi tới hơn 685 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận mức lỗ gần 263 tỷ đồng, gấp gần 13 lần mức lỗ của cùng kỳ năm 2018./.

>>> BIDV phát hành hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục