Bí thư Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu phân loại vi phạm trật tự xây dựng

15:49' - 12/12/2019
BNEWS Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đến hết tháng 12/2019, các sở ngành liên quan của thành phố phải phân loại mức độ công trình vi phạm để đến tháng 1/2020 quận huyện có cơ sở xử lý.

Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tại hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn do UBND thành phố tổ chức ngày 12/12, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ thành phố Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chuyển biến quan trọng ban đầu khi cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, các quận huyện đã ban hành nghị quyết thực hiện Chỉ thị 23.
“Việc này không thể chậm hơn nữa, nếu không sẽ để lại hậu quả ngày càng lớn hơn. Cấp uỷ phải vào cuộc quyết liệt, nếu để xảy ra sai phạm nhiều thì cấp uỷ phải chịu trách nhiệm. Nhất quyết bước sang năm 2020 không để vi phạm trật tự xây dựng gia tăng so với năm 2019” - Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Theo Bí thư Thành uỷ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, đến hết tháng 12/2019, các sở ngành liên quan của thành phố phải phân loại mức độ công trình vi phạm để đến tháng 1/2020 quận huyện có cơ sở xử lý.

Mỗi tháng quận huyện báo cáo về UBND thành phố và Sở Xây dựng số vụ vi phạm trên địa bàn. Đến tháng 1/2020 phải niêm yết giấy phép xây dựng trên trang tin điện tử quận huyện để người dân biết, theo dõi.
Cùng đó, cần có cơ chế phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Sở Tài nguyên Môi trường cũng như xây dựng bản đồ chồng 3 lớp gồm quy hoạch, chức năng sử dụng đất, công trình cấp giấy phép xây dựng để phục vụ quản lý nhà nước.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND thành phố, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân xảy ra 5,4 vụ/ngày.

Nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (khoảng 8,5 vụ/ngày) thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9 %.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm; không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; chưa yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình. Nhiều công trình vi phạm tồn đọng trước khi ban hành Chỉ thị 23 vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện sẽ kiên quyết kiểm tra, xử lý ngăn chặn ngay từ đầu để không phải lập biên bản xử phạt; thay vào đó sẽ thuyết phục tạo sự đồng thuận chấp thuận ngay từ đầu tránh tình trạng công trình sai phạm tồn tại rồi mới xử lý. Huyện thực hiện công bố giấy phép xây dựng công trình lên trang thông tin điện tử.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp khẳng định, tăng cường tuyên truyền và siết chặt việc đăng ký hồ sơ nhà đất bằng hình thức vi bằng. Khi phát hiện việc dùng vi bằng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ xử lý nghiêm, ngăn chặn việc chuyển dịch một số công trình vi phạm xây dựng trong quá trình công chứng.

Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND thành phố áp dụng không cho xuất cảnh đối với đối tượng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng nhưng không chấp hành.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thẳng thắn nhìn nhận, vi phạm thường xuất phát từ người trực tiếp xây dựng; thậm chí, xin phép rồi vẫn xây sai phép; nhà đầu tư cố ý “ăn xổi ở thì, làm ăn chộp giật”...

Một số chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật dù cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành các văn bản. Cùng đó là nguyên nhân đến từ phía người dân, lỗi chính sách, quy hoạch, thực hiện quy hoạch của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các bên liên quan có hành vi vi phạm xây dựng đều phải có trách nhiệm, tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Cơ quan Nhà nước phải thực thi tốt hơn, kiên trì, kiên quyết trong xử lý vi phạm. Doanh nghiệp đầu tư dự án phải làm đúng pháp luật.
Giải pháp phải đi kèm quy trình, cơ chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm, thời gian xử lý; không thể bó tay với tình trạng vi phạm trật xây dựng. Các sở ngành, quận huyện phải vận hành tốt quy chế phối hợp liên ngành, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm và ứng dụng định vị để quản lý xây dựng.

Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty cấp nước thành phố chấm dứt hợp đồng cung cấp điện nước đối với chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng sai phép, không phép - ông Hoan khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục