Bến Tre ban hành kế hoạch xuất khẩu nông sản chính ngạch

10:26' - 30/08/2019
BNEWS Nhằm tăng cường xuất khẩu, phát triển liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Bến Tre ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch trong thời gian tới.
Chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đạt 70- 100 triệu USD; trong đó, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và mở rộng thêm một số thị trường xuất khẩu chính ngạch của hàng nông sản như: EU, Châu Mỹ, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Bến Tre tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế; trong đó, chú trọng các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu như: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, trái cây các loại.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhóm các giải pháp như: xây dựng vùng sản xuất; xây dựng liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật; giải pháp thị trường; xây dựng mã vùng trồng; thu hút doanh nghiệp; chính sách.

Cụ thể, tỉnh quy hoạch, rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo thế mạnh địa phương; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thâm canh, đào tạo huấn luyện, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất.

Tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho cả người dân và doanh nghiệp nắm, hiểu được nhu cầu và tiêu chuẩn hiện nay của các thị trường nhập khẩu, để từ đó định hướng và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, vận động nhà vườn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển diện tích tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết đầu tư đầu vào tiêu thụ sản phẩm với tổ hợp tác thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo lợi ích giữa các doanh nghiệp và nông dân.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn trái cho nông dân, đặc biệt là trong thời kỳ xử lý thu hoạch rải vụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trái, đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì tuổi thọ của cây.

Mặt khác, tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các loại trái cây đặc sản, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các vùng trồng cây đặc sản như chôm chôm, nhãn, bưởi da xanh, sầu riêng, mít, măng cụt… từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa, thông qua hoạt động marketing.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, tỉnh có thế mạnh về cây ăn trái với diện tích hơn 28.000 ha, sản lượng cây ăn trái hàng năm trên 300.000 tấn.

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của tỉnh.

Đến nay, một số loại trái cây như: chôm chôm, dừa xiêm đã được xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu, Australia, Canada, Mỹ…

Tại Bến Tre, hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu nông sản, tập trung ở các sản phẩm dừa, bưởi da xanh,chôm chôm, nhãn… Đến nay, Bến Tre đã có một số trái cây đặc sản đã bán sang Trung Quốc như: chôm chôm, nhãn.

Đây là bước đệm tạo điều kiện cho những mặt hàng trái cây khác của tỉnh từng bước có thể xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, hàng nông sản của Bến Tre hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Ngoài ra, việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng còn mang tính thời vụ.

Các sản phẩm nông sản xuất khẩu lại chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp. Hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoạt động xúc tiến chưa thực sự đem lại kết quả, kim ngạch xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Buội cho hay, để nông sản chủ lực của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch thuận lợi, trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tập trung nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác về hoạt động và kinh doanh; vận động, tập huấn, hướng dẫn người dân sản xuất cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP.

Đồng thời, mời chuyên gia tập cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và người dân biết các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các nước chính ngạch nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch thời gian qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục