Bên lề Quốc hội: Tư lệnh ngành nông nghiệp giải trình rõ nhiều vấn đề "nóng"

12:48' - 06/11/2019
BNEWS Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến đánh giá của các đại biểu quốc hội về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội. Rất nhiều các vấn đề liên quan đến câu chuyện "được mùa, mất giá"; bất cập tại Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; khắc phục "thẻ vàng" IUU... đã được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến đánh giá của các đại biểu quốc hội về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). Ảnh: BNEWS/TTXVN

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình): Quan tâm hơn đến giải pháp khắc phục bất cấp của Nghị định 67
Các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều là các vấn đề "nóng", bức xúc trong xã hội mà cử tri và đồng bào cả nước quan tâm. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng nay rất trúng và đúng vấn đề đặt ra mà các đại biểu chất vấn.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp, giải trình cụ thể và có lời hứa trước các đại biểu quốc hội và người dân. Tôi hy vọng rằng, với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nên đi kèm với các giải pháp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về vấn đề "được mùa, mất giá - được giá, mất mùa". Đây là vấn đề đã được rất nhiều các đại biểu chất vấn từ các kỳ họp trước. Nhưng, tôi cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề này rất khó. Bởi theo quy luật của thị trường khi mà được mùa một sản phẩm nông nghiệp nào đó thì đa phần là giá sẽ giảm. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản của người dân lại không tuân thủ theo quy hoạch của Bộ, của tỉnh, mà nông dân thấy lợi ích trước mắt nên đã trồng ồ ạt phá vỡ quy hoạch.
Theo tôi, đối với vấn đề "được mùa, mất giá" Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm thế nào để có những định hướng nhằm liên thông, liên kết sản xuất hàng hoá - xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng. Còn nếu vẫn để tình trạng nông dân vì lợi ích trước mắt mà trồng phá vỡ quy hoạch thì không bao giờ giải được bài toán "được mùa, mất giá".
Tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp tạo điều kiện cho ngư dân nâng cao được trình độ, có kỹ năng để tiếp cận và thực hiện Nghị định 67 một cách hiệu quả. Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) trong quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Nguyên nhân dẫn đến các bất cập đó là do trình độ của ngư dân chưa đáp ứng với yêu cầu để có thể tiếp cận các tàu vỏ sắt có công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng tàu cá đóng theo Nghị định 67 thua lỗ do khai thác không hiệu quả. Cũng có trường hợp ngư dân lợi dụng Nghị định 67 để trục lợi, hay như việc có ngư dân khai thác được nhưng lại không chịu trả lãi vay cho ngân hàng.
Đối với Nghị định 67, khi mới triển khai thì chính quyền địa phương vận động ngư dân làm thủ tục đóng tàu. Nhưng khi có sự cố xảy ra thì các cấp chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ.
Về vấn đề này, tôi cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nắm rất rõ và các giải pháp đưa ra cũng rất cụ thể. Nhưng tôi, cũng chưa thoả mãn với các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra về việc nâng cao trình độ cho ngư dân để tiếp cận được các tiến bộ khoa học, áp dụng vào thực tế. Đây là vấn đề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm hơn trong thời gian tới.
* Đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An): Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề được hỏi
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm khá chắc các vấn đề và đi thẳng vào câu hỏi mà các đại biểu quốc hội đặt ra và đưa ra các giải pháp. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào, bởi ngành này còn nhiều rủi ro và cơ chế chính sách. Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần phải có những giải pháp để kích cầu và tạo mọi điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cần phải có sự chủ động hơn đối với các câu hỏi của các đại biểu, giải trình những vấn đề đại biểu quốc hội, cử tri đang kỳ vọng. Từ đó, nâng cao chất lượng hiệu quả của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân vì đây là lĩnh vực khá rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác.
* Đại biểu Lê Viết Chữ (đoàn Quảng Ngãi): Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Đại biểu Lê Viết Chữ (đoàn Quảng Ngãi)trả lời phỏng vấn phóng viên BNEWS/TTXVN. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôi cho rằng nông nghiệp là một lĩnh vực lớn. Thời gian qua, điểm nổi bật của ngành này là việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, qua đó tư duy của người nông dân đã từng bước thay đổi. Cơ cấu cây trồng đa dạng hơn, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử như ở Quảng Ngãi, trước đây nông dân chỉ trồng độc canh cây lúa nên thu nhập bấp bênh, nay nhờ chuyển đổi cây trồng mà thu nhập của người nông dân đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã phát huy được lợi thế về đất đai, tạo ra sản phẩm đa dạng hơn. Nếu như trước đây,  Quảng Ngãi chỉ biết mỗi cây lúa, sắn, mía... thì nay đã có nhiều loại trái cây mang giá trị kinh tế cao như măng cụt, xoài, sầu riêng, chôm chôm...
Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra những vùng trồng chuyên canh có diện tích từ 30-50 ha. Ví dụ như trang trại bò sữa của Vinamilk có diện tích lên tới 130ha, doanh nghiệp này liên kết với nông dân ở vùng lân cận làm vệ tinh, tạo ra vùng sản xuất rộng lớn hơn. Vùng trồng cây ăn quả cũng áp dụng mô hình như vậy. Từ đó, nông nghiệp nhiều địa phương đã từng bước chuyển từ sản xuất nông hộ sang sản xuất tập trung có quy mô lớn.
Tuy nhiên, do diện tích sản xuất vẫn ở quy mô hộ gia đình; bên cạnh đó, người nông dân vẫn tư duy đất sản xuất là tài sản. Nên không có diện tích sản xuất đủ lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do đó, tôi cho rằng cần phải có chính sách ưu đãi về thuế, đất... để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ngoài ra, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, bởi bản thân doanh nghiệp không thể đến được với từng hộ nông dân, mà rất cần các tổ hợp tác, hợp tác xã làm cầu nối.
Đồng thời, thị trường ổn định cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp hiện chưa có, và đang bị phụ thuộc nhiều vào một thị trường. Trong khi đó, người nông dân lại thiếu thông tin về dự báo thị trường.
Tôi cho rằng, cần một chính sách để tháo gỡ hiện trạng sản xuất manh mún như hiện nay, nói cách khác là làm sao để có thể tích tụ ruộng đất một các hợp lý. Bên cạnh đó, củng cố và phát triển đội ngũ tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình kiểu mới, làm cầu nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, có những chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, có năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt là cần có dự báo định hướng thị trường cho người nông dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục