Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV: Luật Quản lý thuế cần tránh được thất thu thuế

18:00' - 24/05/2019
BNEWS Ngày 24/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cần phải tiếp tục sửa đổi nhiều nội dung, điều, khoản để phù hợp hơn với thực tế; đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước...

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý những kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

* Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Tránh chồng chéo với các luật khác
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này khi trình ra Quốc hội đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan chuyên môn.

Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nhiều vấn đề lớn đã được giải đáp, xử lý tương đối ổn thoả. Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hoàn toàn có khả năng được Quốc hội thông qua để áp dụng trong thực tiễn.
Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm và cần Ban soạn thảo phải tiếp tục làm rõ hơn là mối quan hệ giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng khác trong quản lý thu ngân sách. Đặc biệt, là mối quan hệ giữa cơ quan thuế với kiểm toán, thanh tra, để tránh sự chồng chéo, phiền hà cho các đối tượng nộp thuế.
Trên thực tế, hiện vẫn còn những nơi, những chỗ mà sự điều hoà này chưa được tốt. Mặc dù, doanh nghiệp đã có sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế rồi, nhưng sau đó Thanh tra nhà nước, Kiểm toán Nhà nước lại tiếp tục vào cuộc. Tần suất kiểm tra quá nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài việc tiếp tục lấy ý kiến cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi) thì Quốc hội cũng lấy ý kiến các đại hiểu để sửa Luật Kiểm toán Nhà nước.

Tôi cho rằng, vấn đề này cần phải có sự liên kết giữa hai nội dung luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, tại dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) có điểm nêu về kết quả kiểm toán, sau khi đưa ra kết quả, đối tượng nộp thuế phải có trách nhiệm chấp hành ngay kết luận của kiểm toán.
Đây là điều tôi muốn Ban soạn thảo cần làm rõ hơn, vì đối tượng của kiểm toán là cơ quan thuế, còn doanh nghiệp chỉ là đối tượng liên quan.

Nhưng vì Kiểm toán Nhà nước xem xét trách nhiệm thu của cơ quan thuế nên phải xem xét đến các cơ quan liên quan để xác định tính chất, kết quả của cơ quan thuế.

Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước, nếu có liên quan đến doanh nghiệp thì cũng là kết luận là mang tính liên đới, kết luận này chỉ mang tính định tính một số đối tượng nộp thuế lấy mẫu, chứ không phải toàn bộ đối tượng nộp thuế mà cơ quan thuế quản lý.
Tôi cho rằng, nếu quy định rằng đối tượng nộp thuế chấp hành ngay kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì kết luận đó chỉ mang tính định tính, không bao trùm và không thấy hết quy mô của vấn đề. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ hơn vấn đề này.
* Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang): Thu thuế từ thương mại điện tử vẫn khó khăn
Tôi cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này cần phải tiếp tục sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tế nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), tôi quan tâm đến một số nội dung cần phải sửa đổi để tránh được tình trạng thất thu thuế; đối tượng nộp thuế cũng cần phải được nghiên cứu kỹ hơn nhằm tăng tính tự giác của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến thông tin cá nhân của người nộp thuế lại chưa có tính bảo mật cao. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) các quy định để nâng cao tính bảo mật về thông tin cá nhân.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh, đồng thời hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng nở rộ.

Tuy nhiên, việc thu thuế từ loại hình kinh doanh này vẫn gặp nhiều khó khăn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Bản thân Hiệp hội Thương mại điện tử cũng đánh giá rằng, mỗi năm nhà nước thất thu hàng tỷ đô la Mỹ từ loại hình kinh doanh này.
Với đà phát triển như hiện nay, tôi cho rằng thời gian tới, loại hình này sẽ phát triển tăng gấp 2 lần mỗi năm. Đồng nghĩa với việc Nhà nước mất đi một khoản thuế không thu được từ loại hình kinh doanh này là.

Mặc dù dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng có đưa vào một số quy định, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ chặt chẽ.

Do đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần phải có quy định cụ thể nhằm tránh thất thu từ loại hình kinh doanh thương mại điện tử, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
* Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Cần thành lập dịch vụ kế toán
Theo tôi, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này. Vấn đề tôi quan tâm tại dự thảo Luật này là nội dung thành lập dịch vụ kế toán.

Mặc dù, đây không phải là vấn đề mới, trước đây đã có rồi, nay thay tên gọi thôi. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo tôi cần áp dụng chính sách này, bởi hiện nay số lượng doanh nghiệp là rất lớn và họ cũng rất cần đội ngũ kế toán chuyên nghiệp.

Khi có dịch vụ này thì các doanh nghiệp đã có thể cắt giảm được bộ máy nhân sự; các doanh nghiệp chỉ cần thuê đội ngũ kế toán chuyên nghiệp này vào những thời điểm nhất định, có thể là 1 tuần hoặc 2 tuần...

Và tất nhiên đội ngũ kế toán này phải có trình độ, bằng cấp, được tập huấn và có giấy chứng nhận hành nghề do Bộ Tài chính cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục