Bầu cử và những tác động tới quan hệ Australia-Ấn Độ

06:00' - 30/04/2019
BNEWS Mạng Interpreter đăng bài viết của Giáo sư Ian Hall thuộc Trường Quản trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Griffith, trong đó đánh giá triển vọng mối quan hệ Australia-Ấn Độ sau cuộc bầu cử ở hai nước.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind (phải) tại cuộc gặp ở Sydney ngày 22/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong năm nay, cuộc bầu cử của Australia và Ấn Độ sẽ diễn ra gần như đồng thời. Ngày 11/4, Thủ tướng Scott Morrison đã tới Tòa nhà Chính phủ tại Canberra, mở màn chính thức cho chiến dịch tranh cử.
Cùng ngày, cử tri Ấn Độ đã bắt đầu đi bỏ phiếu vòng đầu tiên trong 7 giai đoạn bầu cử. Đến ngày 19/5, ngày cuối cùng mà số phiếu có thể được kiểm – và một ngày sau khi người dân Australia đi bỏ phiếu – 900 triệu cử tri Ấn Độ sẽ thực hiện xong quyền công dân của mình.
Cũng không quá bất ngờ khi Ấn Độ xuất hiện trong chiến dịch vận động tranh cử của Australia. Một trong những động thái cuối cùng của chính quyền Thủ tướng Morrison vừa qua đó là “bật đèn xanh” cho dự án khai thác mỏ Carmichael, một dự án gây nhiều tranh cãi, của tập đoàn Adani (Ấn Độ) tại Galilee Basin thuộc bang Queensland. 
Ngày 9/4, Bộ trưởng Môi trường Melissa Price đã ký quyết định đồng ý với kế hoạch quản lý nước ngầm của Adani, bất chấp những nghi ngờ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) và các nhà môi trường về những tuyên bố của tập đoàn này. 
Với sự ủng hộ của các thành viên Liên đảng Quốc gia - Tự do, quyết định này rõ ràng nhằm gây bất lợi cho Công đảng đối lập trong cuộc bầu cử quan trọng và đẩy Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk, thành viên Công đảng, vào cuộc xung đột với một số đồng nghiệp của bà ở cấp liên bang, những người phản đối dự án này. Tuy nhiên, việc sử dụng dự án Adani như một “thứ bóng đá chính trị” sẽ một lần nữa làm dấy lên những hoài nghi về cam kết của một số thành viên ở Canberra về mối quan hệ song phương với Ấn Độ. 
Rõ ràng, câu chuyện về mỏ than tại Carmichael đã trở thành nguyên nhân của một số xích mích trong mối quan hệ Australia - Ấn Độ. Một số người coi khoản đầu tư đầy hứa hẹn này như là một thử nghiệm cho cách mà Australia chào đón dòng tiền đầu tư từ Ấn Độ. Một số khác chỉ ra rằng ông Gautam Adani, nhà sáng lập của tập đoàn này, là người đồng hương thân thiết ở bang Gujarat của đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Liệu số phận của dự án Adani có gây tổn hại tới mối quan hệ song phương này hay không còn là một điểm tranh cãi. Đầu tư của Ấn Độ vào Australia vẫn đang tiếp tục tăng. Trong năm 2017, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào “Xứ sở chuột túi” đạt 15,5 tỷ AUD, cao hơn nhiều so với con số 11,6 tỷ AUD của hai năm trước đó. 
Và chắc chắn rằng các nhà tư bản công nghiệp từ lâu đã có ảnh hưởng lớn ở New Delhi. Trong những năm đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Modi, ông Adani cũng có ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là trong chính sách kinh tế đối ngoại của Ấn Độ. Nhưng kể từ thời điểm đó đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng xoay trục chính sách, ít nhất là một phần, từ ủng hộ doanh nghiệp sang chính sách dân túy hơn, chú trọng trong việc hỗ trợ người nghèo.
Nhìn rộng hơn, các nhà quan sát dày dặn kinh nghiệm cho rằng mối quan hệ giữa Australia và Ấn Độ đang ngày càng tốt hơn, đặc biệt trong quan hệ an ninh, quốc phòng, thể hiện qua cuộc tập trận hải quân chung AUSINDEX gần đây. Hai nước cũng đang triển khai các cuộc đối thoại được thể chế hóa thường xuyên, bao gồm cuộc đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, hay còn gọi là cuộc đối thoại “2+2”, các cuộc gặp ba bên với Nhật Bản và Mỹ, và tất nhiên cả Nhóm Bộ Tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ). 
Bất chấp sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước, nhiều nỗ lực cũng được triển khai để khôi phục động lực cho mối quan hệ kinh tế song phương, đáng chú ý là việc công bố bản báo cáo Chiến lược kinh tế đối với Ấn Độ hồi năm ngoái, do cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) Peter Varghese soạn thảo cũng như cam kết của Ấn Độ sẽ đưa ra một văn bản chiến lược tương ứng.
Tất cả những điều này nói lên rằng những nỗ lực biến dự án Adani thành vấn đề gây tranh cãi nghiêm trọng hơn có thể chẳng giúp ích gì cho mối quan hệ song phương. Do đã cam kết với một loạt sáng kiến chiến lược liên quan đến Australia, New Delhi và giới truyền thông Ấn Độ hiện chú ý nhiều hơn đến những diễn biến chính trị của Australia so với trước kia. Cho dù tranh luận về dự án Adani sẽ diễn ra như thế nào trong vài tuần tới, chắc chắn Ấn Độ sẽ quan tâm sát sao.
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn của New Delhi không phải là dự án Adani mà là thái độ đối với Ấn Độ, Trung Quốc và cả khu vực của bất kỳ đảng nào lên nắm quyền ở Australia vào tháng Năm tới. Ấn Độ muốn Australia đa dạng hóa mối quan hệ thương mại và an ninh để chống lại áp lực từ phía Trung Quốc.
Trên hết, những gì New Delhi muốn thấy là một chính phủ ổn định ở Canberra, có khả năng quản lý các mối quan hệ với những cường quốc chủ chốt trong khu vực một cách hiệu quả. Ấn Độ mong muốn quan hệ hai bên phát triển tốt đẹp, dù lo sợ những thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại, kinh tế và an ninh của Australia. 
Chính quyền của cựu Thủ tướng Rudd, cuối những năm 2000, đã khiến Ấn Độ lo lắng về những tham vọng lớn và sự khó đoán định. Chính quyền Australia hiện tại cũng khiến Ấn Độ cảm thấy bất an do liên tục thay đổi người lãnh đạo cũng như đưa ra những thay đổi đột ngột về thị thực và điều kiện làm việc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn công dân Ấn Độ. Với Ấn Độ, bất cứ ai chiến thắng vào ngày 18/5 tại Australia đều nên cố gắng làm cho mối quan hệ hai nước tốt đẹp hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục