Bắt tay doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo

21:24' - 27/12/2019
BNEWS Xây dựng thương hiệu hạt gạo từ sản phẩm thông thường khi gắn lên bao bì một thương hiệu là gắn với tạo dựng uy tín và liên hệ với khách hàng trên thị trường.
 Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

“Cần sớm xây dựng thương hiệu gạo An Giang” – là nội dung chính của buổi làm việc giữa Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời về xây dựng kế hoạch hành động Dự án xây dựng thương hiệu gạo An Giang chiều 27/12.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang sẽ hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện việc xây dựng thương hiệu gạo An Giang, phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo gắn với xây dựng hợp tác xã kiểu mới, dịch vụ nông nghiệp và thực hiện Dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang. Thời gian dự kiến bắt đầu triển khai từ quý I năm 2020.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh có thế mạnh trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu, với sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm; cơ cấu giống được chuyển đổi mạnh, tỉ lệ sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: OM6976, OM4218, OM5451, Jasmine,...chiếm khoảng 70% diện tích sản xuất.

Bên cạnh đó, An Giang có vùng sản xuất loại giống đặc sản như: vùng lúa nếp Phú Tân, vùng lúa Jasmine Châu Phú… Với các lợi thế này đã tạo những điểm khác biệt lớn cho ngành sản xuất lúa gạo An Giang so với các tỉnh khác.
Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm gạo An Giang còn thiếu đầu ra, giá bán thấp, nguyên do là gạo An Giang chưa có thương hiệu và chất lượng chưa ổn định.
Trong khi đó, trên thị trường nội địa, gạo đóng gói có nhãn hiệu bày bán ở các siêu thị có giá cao hơn gạo cùng loại ở các sạp khoảng 20-30%. Do đó, điều cần làm là xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh An Giang trên cơ sở chuẩn hóa chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, để làm được điều này thì cần phải có sự chung tay của doanh nghiệp, ở đây là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – một doanh nghiệp mạnh của tỉnh, có kinh nghiệm cũng như có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao cùng tham gia với tỉnh để xây dựng thương hiệu gạo An Giang.
Bước đầu, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai xây dựng một quy trình sản xuất chuẩn. Quy trình này sẽ cho ra sản phẩm gạo mang thương hiệu gạo An Giang theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, qua đó, từng bước nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam và tăng thu nhập cho người nông dân.
Sau khi đã có thương hiệu gạo An Giang, các doanh nghiệp khác muốn sử dụng thương hiệu gạo An Giang phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất của thương hiệu gạo An Giang.

Đó là phải có sự liên kết trong sản xuất, tham gia chuỗi giá trị, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao,… để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất được nguồn gốc và đặc biệt, là phải có chỉ dẫn địa lý (gạo được sản xuất tại An Giang).
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, để xây dựng được thương hiệu gạo An Giang cần phải có được những giống lúa tốt, chất lượng ổn định; kế đến là phải có quy trình canh tác, quy trình này phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và một điều qua trọng đó là thương hiệu gạo An Giang phải gắn với chỉ dẫn địa lý, gạo phải được sản xuất tại An Giang.
Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Xây dựng thương hiệu hạt gạo từ sản phẩm thông thường khi gắn lên bao bì một thương hiệu là gắn với tạo dựng uy tín và liên hệ với khách hàng trên thị trường. Thái Lan làm thương hiệu rất tốt nên họ vẫn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và giá trị luôn cao hơn Việt Nam.
Nói đến vấn đề thương hiệu gạo An Giang, ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng cần bắt đầu từ một giống lúa chất lượng tốt tỉnh đang có như: Lộc Trời 01, OM5451, Jasmine để xây dựng một quy trình mẫu - quy trình chuẩn cho thương hiệu gạo An Giang.

Từ đó sẽ tạo dựng được những nét đặc trưng của hạt gạo An Giang nói riêng, hạt gạo Việt Nam nói chung. Khi đã được nhận biết và ưa chuộng một thương hiệu, vấn đề giá cả sẽ trở thành thứ yếu và người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vì sự hài lòng, thay vì phải phân vân hay mặc cả về giá.
Vì vậy, vấn đề tạo mối liên hệ chặt chẽ với nông dân, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu là những vấn đề cốt tử của nông nghiệp An Giang trong giai đoạn tới.
Theo ông Thòn, xây dựng thương hiệu gạo An Giang không có nghĩa là các doanh nghiệp không có thương hiệu của riêng mình. Ông lấy ví dụ ở Thái Lai, chỉ có một giống lúa Hom Mali, nhưng các doanh nghiệp Thái Lan vẫn có những thương hiệu riêng được in trên bao bì.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phải tuân thủ quy trình sản xuất chung thương hiệu gạo Hom Mali Thái. Lúc này thương hiệu gạo Hom Mali Thái trở thành chỉ dẫn địa lý và là tấm “thẻ bài” để các doanh nghiệp xuất khẩu đi các nước trên thế giới mà không gặp các vấn đề về kiểm định chất lượng…
Vì vậy, “muốn nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo An Giang để nâng cao giá trị sản phẩm và xác lập thị phần... tỉnh An Giang cần xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng. Làm được như vậy sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo An Giang nói riêng và hạt gạo Việt Nam nói chung trên thương trường quốc tế” – ông Huỳnh Văn Thòn khẳng định./.

>> Nhận diện logo thương hiệu gạo Việt Nam

Tin liên quan

  • Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam Hàng hoá

    Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam

    10:21' - 14/12/2019

    Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV năm 2019 và lễ "Tuyên dương các điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc về phát triển hợp tác xã trong hai năm (2018-2019)" diễn ra tại Vĩnh Long từ ngày 13-19/12.

  • Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV Kinh tế & Xã hội

    Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV

    22:45' - 13/12/2019

    Tối 13/12, tại TP Vĩnh Long, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV – Vĩnh Long năm 2019.


Tin cùng chuyên mục