Bất động sản chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký

12:25' - 04/01/2018
BNEWS Bất động sản giữ vị trí thứ 3 về thu hút FDI, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường bất động sản Hà Nội.
CBRE nhận định dòng vốn FDI vào bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2017 gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, bất động sản giữ vị trí thứ 3 về thu hút FDI, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký.
Tại buổi họp báo về tổng quan thị trường bất động sản do Công ty TNHH CBRE Việt Nam tổ chức ngày 4/1, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy tiềm năng của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, cụ thể là Hà Nội trong tương lai.
Tuy không vượt quá con số 10% tổng nguồn vốn thu hút FDI chung nhưng FDI vào bất động sản trong 5 năm gần đây tiếp tục “nhích” theo chiều hướng tăng. Trước đây, lượng vốn FDI bất động sản dồn nhiều cho thị trường phía Nam và thị trường phía Bắc luôn trong tình trạng “nghe ngóng” và phải bắt nhịp sau vài năm. Các chuyên gia kỳ vọng, Hà Nội sẽ sớm nhập cuộc như thị trường thành phố Hồ Chí Minh.
Theo CBRE, thực tế cho thấy, năm 2017 đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường bất động sản Hà Nội. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chủ động và sốt ruột tìm mua những dự án tại Hà Nội để triển khai đầu tư. Họ nhận thấy tiềm năng và muốn có sản phẩm kinh doanh.
Thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt tay với một số chủ đầu tư lớn trong nước để triển khai các dự án bất động sản. Điển hình phải kể đến thương vụ của Sumitomo (Nhật Bản) nằm ở phía Bắc sông Hồng - khu vực được kỳ vọng là điểm phát triển mới tiếp theo phía đông – nhất là khi sẽ tận dụng triệt để được lợi thế về hạ tầng giao thông khu vực cầu Nhật Tân.
Tập đoàn Sumitomo chọn cách tham gia thị trường bất động sản Việt Nam qua kế hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị. Sumitomo lựa chọn phát triển dự án cùng Tập đoàn BRG qua việc lập quy hoạch phân khu chức năng đô thị Nhật Tân - Nội Bài.
Bà Hoài An nhận định, khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản một cách mạnh mẽ sẽ tạo những sự khác biệt, không chỉ về sản phẩm mà ngay từ cách bán hàng, giới thiệu hàng hóa… Họ có thể sử dụng công nghệ và những ứng dụng mới trong bán hàng, phát triển sản phẩm bất động sản.
Đơn cử như bán bất động sản trực tuyến là những hình thức đã có trên thế giới thì tới đây sẽ có thể được triển khai tại Việt Nam; hình thức thương mại điện tử có thể được đưa ra để bán sản phẩm bất động sản, thay đổi thói quen mua truyền thống. Tuy nhiên, để thực hiện việc này còn đòi hỏi nhiều yếu tố đi kèm.
Mặc dù dòng vốn FDI vào bất động sản vẫn đang tốt hơn lên nhưng các chuyên gia vẫn khẳng định, động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2018 vẫn là yếu tố nội lực, nhất là khi sức mua và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn đang rất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục