Bất cập quản lý rừng ở Hà Nội – Bài 2: Lộn xộn sang nhượng và xây dựng trên đất rừng

10:43' - 25/10/2018
BNEWS Đất rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội) không chỉ bất cập trong quy hoạch, ranh giới chưa rõ ràng mà còn nhiều đối tượng quản lý rừng.

Điều này khiến phát sinh nhiều hệ lụy từ đất rừng; trong đó, đáng kể nhất là hoạt động xây dựng các công trình kiên cố, có quy mô lớn trên đất rừng, khiến cho đất rừng dần bị thu hẹp để lại nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng.
*Rừng đang bị thu hẹp

Tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí hiện chưa rạch ròi trong quy hoạch và cắm mốc nên đến thời điểm này chưa phân biệt được đâu là đất rừng, đâu là đất ở. Thế nhưng, sau khi một số hộ dân sang nhượng đất thì ngay lập tức người mua thực hiện san đồi, xây dựng công trình kiên cố theo dạng nhà ở kết hợp với nghỉ dưỡng, du lịch.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tính đến hết tháng 9/2018 tại thôn Minh Tân có 27 công trình xây dựng đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ - bảo vệ môi trường. Các công trình xây dựng tại thôn Minh Tân có diện tích từ 54 mét vuông đến 540 mét vuông. Điều đáng nói, những công trình trên đều được xây dựng vào những năm 2016 - 2018 và hiện chưa có giấy phép xây dựng.


Công trình xây dựng trong khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Dọc theo con đường 35 thuộc địa phận xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cũng xuất hiện nhiều khu nhà thấp tầng theo kiểu biệt thự. Đặc biệt, tại làng Lâm Trường (Minh Phú) có 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch rừng với việc được phân chia thành khuôn viên, xây dựng tường rào chắc chắn. Nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên; trong đó có nhiều công trình xây dựng.
Theo báo cáo 307/BC- UBND huyện Sóc Sơn ban hành ngày 28/6/2018, căn cứ Quyết định số 718, 719/QĐ-UBND huyện Sóc Sơn, tại các xã Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược, Minh Phú, Minh Trí, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh ở huyện này xuất hiện 90 công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp, không có trong bản đồ địa chính đất ở tỷ lệ 1/1000; trong đó có 38 trường hợp xây dựng trong quy hoạch rừng không phù hợp quy hoạch đất ở. Nhìn chung các công trình trên được xây dựng trước năm 2013.
Trước đây, một số hộ dân sau khi xây dựng công trình đã làm biển hiệu, quảng cáo các hoạt động ăn uống, sinh thái để thực hiện mục đích thương mại.
Nhiều công trình mọc lên đã làm cho diện tích đất rừng ở Sóc Sơn đang dần bị “teo” lại, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.
Số liệu Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng huyện Sóc Sơn cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã giảm 2.073 ha so với thời điểm trước năm 2008.
*“Bó tay” trong quản lý rừng?
Đặc thù của rừng và đất lâm nghiệp Sóc Sơn được chia làm nhiều loại, nhiều cấp quản lý như: thành phố, huyện giao cho các hộ bằng hình thức cấp sổ lâm bạ; UBND các xã và hợp tác xã cũng tiến hành giao đất cho người dân; người dân tự khai hoang phục hóa đất rừng. Với việc nhiều cấp cùng thực hiện giao rừng, dẫn đến thực trạng quản lý, bảo vệ rừng ở Sóc Sơn thiếu chặt chẽ, chưa thống nhất.
Chưa kể việc giao khoán cho các hộ trồng rừng được thực hiện theo phương thức thủ công và chưa đảm bảo tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục quy định nên nhiều diện tích rừng được giao các hộ chưa chính xác so với thực tế sử dụng. Do vậy, trong quá trình sử dụng, các hộ dân có thể vô tình hay cố ý đã sử dụng đất rừng quá giới hạn mà cơ quan quản lý cũng đành "bó tay".
Chị Trương Thị Mơ, cán bộ địa chính xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết, do không xác định được mốc giới rõ ràng, chính quyền địa phương rất khó kiểm tra, xử lý những trường hợp sai phạm. Nếu có mốc giới, đâu là đất rừng, đâu là đất ở sẽ giúp xã quản lý, giám sát người dân, không cho phép họ sử dụng đất rừng vào việc làm nhà ở, hoặc chuyển nhượng đất rừng trái phép.
Việc quản lý đất rừng cũng trở nên khó khăn hơn khi mốc giới rừng chưa được thực hiện hoàn tất. Đến thời điểm cuối năm 2018, tại huyện Sóc Sơn mới cắm được 3.925/4.300 mốc rừng. Nguyên nhân của việc một số mốc rừng chưa được thực hiện do việc cắm mốc không sát với thực tiễn sử dụng và gặp sự phản đối của người dân.

Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân (Minh Trí) cho hay: "Năm 2015 khi cán bộ đến cắm mốc rừng, cắm ngay cửa nhà tôi. Thấy sự vô lý nên tôi cương quyết phản đối việc cắm mốc rừng quan liêu và lạ lùng như vậy”.
Do có sự nhập nhằng trong quản lý, quy hoạch tạo kẽ hở cho việc sang nhượng trái thẩm quyền đất rừng dẫn tới nhiều cán bộ huyện Sóc Sơn bị vướng vòng lao lý do “phạm” đất rừng.
Tại báo cáo 307/BC- UBND huyện Sóc Sơn chỉ ra, nhiều cán bộ “cầm cân nảy mực” của huyện Sóc Sơn đã cấp 63 Giấy chứng nhận sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ đặc dụng năm 1998 (Xã Bắc Sơn 31 trường hợp, xã Minh Trí 32 trường hợp). Sau đó, huyện “sửa sai” bằng cách thu hồi, hiệu chỉnh các Giấy chứng nhận sử dụng đất trên.
Trước những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất rừng nên từ năm 1998 đến nay, huyện Sóc Sơn đã cắt chức và bãi miễn 12 cán bộ từ trưởng phòng, phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, bí thư Đảng ủy xã, cán bộ phòng ban liên quan. Nghiêm trọng hơn, có 10 bị can là cán bộ, nhân viên từ huyện tới xã bị khởi tố do liên quan đến đất rừng; trong đó, nhiều bị can bị phạt tù từ 2 – 4 năm. Riêng năm 2017 huyện Sóc Sơn đã kỷ luật 6 cán bộ; trong đó có Chủ tịch, Phó chủ tịch xã do vi phạm các quy định trong quản lý đất rừng.
Thực tế cho thấy, việc quản lý rừng tại Sóc Sơn còn thiếu chặt chẽ. Nguyên nhân xuất phát từ công tác cán bộ, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, còn có sự bất cập trong cơ chế quản lý đo đạc, lập bản đồ địa chính về rừng; rà soát các công trình xây dựng trên đất rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp... đang là những nội dung cần được điều chỉnh, cũng như siết chặt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất rừng./.
>>> Bất cập quản lý rừng ở Hà Nội - Bài 1: Nhùng nhằng giữa quy hoạch và thực tế

>>> Bất cập quản lý rừng ở Hà Nội – Bài 3: Kiên quyết xử lý xây dựng trái với quy hoạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục