Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019: Thách thức phải vượt qua

19:03' - 09/10/2019
BNEWS Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu là văn bản mới nhất của loạt báo cáo được công bố hàng năm kể từ năm 1979, cung cấp đánh giá thường niên về các yếu tố thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Mười năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế thế giới vẫn ở trong một chu kỳ tăng trưởng năng suất thấp hoặc “dậm chân tại chỗ”, mặc dù các ngân hàng trung ương đã bơm hơn 10.000 tỷ USD vào nền kinh tế.

Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã “vẽ ra một bức tranh ảm đạm’ nhưng cũng cho thấy rằng những quốc gia có cách tiếp cận toàn diện đối với các thách thức kinh tế-xã hội có vẻ sẽ vượt lên trong cuộc đua tới đích cuối cùng là duy trì đà tăng trưởng dài hạn.

Đánh giá tổng thể

Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 là văn bản mới nhất của loạt báo cáo được công bố hàng năm kể từ năm 1979, cung cấp đánh giá thường niên về các yếu tố thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Với số điểm 84,8 trên thang điểm 100, Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2019, vượt qua Mỹ (rơi xuống vị trí thứ hai).

Vị trí thứ ba thuộc về Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), tiếp đến là Hà Lan (thứ 4) và Thụy Sỹ (thứ 5).

Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019 cho thấy điểm trung bình của 141 nền kinh tế được nghiên cứu là 61 trên thang điểm 100.

Cuộc khảo sát ý kiến với 13.000 giám đốc kinh doanh của báo cáo trên đã nêu bật sự bất ổn nghiêm trọng và niềm tin suy giảm.

Sự yếu kém kéo dài trong các động lực tăng trưởng năng suất là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

Ở các nền kinh tế phát triển, mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng năng suất bắt đầu chậm lại vào năm 2000 và giảm tốc hơn nữa sau khủng hoảng.

Trong giai đoạn 2011-2016, tăng trưởng năng suất tổng thể - hay mức tăng trưởng tổng hợp của các yếu tố đầu vào như tài nguyên và lao động và những yếu tố đầu ra – đạt mức 0,3% ở các nền kinh tế phát triển và 1,3% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Với số điểm 84,8 trên 100, Singapore là quốc gia tiến gần đích nhất về năng lực cạnh tranh. Các nền kinh tế khác thuộc Nhóm 20 nền kinh phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lọt vào Top 10 của Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019 bao gồm Mỹ (thứ 2), Nhật Bản (thứ 6), Đức (thứ 7) và Vương quốc Anh (thứ 9), trong khi Argentina (thứ 83, giảm hai bậc so với năm 2018) là thứ hạng thấp nhất trong G20.

Trong khi đó, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực cạnh tranh nhất trên thế giới, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019, Mỹ có thể đứng sau Singapore về tổng thể song vẫn là một cường quốc sáng tạo, đứng thứ nhất về chỉ số năng động trong kinh doanh, thứ hai về khả năng sáng tạo và thứ nhất về tìm kiếm lao động có chuyên môn cao.

Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu nằm trong số những quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất, sáng tạo và năng động nhất.

Mặc dù các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bơm 10.000 tỷ USD vào nền kinh tế là điều chưa từng có và đã thành công trong việc đẩy lùi nguy cơ suy thoái nghiêm trọng hơn, song không đủ để thúc đẩy phân bổ các nguồn lực cho đầu tư tăng năng suất trong khu vực tư nhân và quốc doanh.

Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng thương mại toàn cầu đã tạo thuận lợi cho một số nền kinh tế thông qua những thay đổi trong hoạt động thương mại, bao gồm Singapore (thứ 1) và Việt Nam (thứ 67) - quốc gia có sự tiến bộ nhanh nhất trong năm 2019.

Người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Xã hội Mới của WEF, Saadia Zahidi, nhận định kết quả trên của Việt Nam một phần là nhờ nền kinh tế có khả năng tận dụng các cơ hội từ chiến tranh thương mại để thu hút đầu tư và trở thành một trung tâm thương mại hấp dẫn hơn trong khu vực.

Thách thức phía trước

Mỗi chỉ số (hay trụ cột) sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, để cho thấy mức độ áp sát của một nền kinh tế tới trạng thái lý tưởng hoặc “cảnh giới” về cạnh tranh trong lĩnh vực đó.

Dựa trên bốn thập niên kinh nghiệm về năng lực cạnh tranh chuẩn, chỉ số này cho thấy năng lực cạnh tranh của 141 nền kinh tế thông qua 103 chỉ số được xây dựng thành 12 chủ điểm.

Các chỉ số này bao gồm các yếu tố kinh tế-xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin và tuyền thông, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường và năng lực sáng tạo.

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu năm 2019, thế giới đang ở “điểm bùng phát” về xã hội, môi trường và kinh tế với tăng trưởng suy yếu, bất bình đẳng gia tăng và tình trạng biến đổi khí hậu đang tăng nhanh.

Hiện có sự bế tắc trong hệ thống quản trị quốc tế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang đang làm gia tăng sự bất ổn.

Điều này kìm hãm đầu tư và làm tăng nguy cơ xảy ra các cú sốc về nguồn cung: phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá đột ngột hoặc gây gián đoạn trong khâu cung cấp các nguồn tài nguyên chủ chốt.

Với gần 50% dân số thế giới đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tăng trưởng năng suất và tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng để cải thiện mức sống. Đối với các nền kinh tế kém phát triển và mới nổi, các nền tảng kinh tế mong manh khiến họ rất dễ bị tổn thương do các cú sốc.

Song song với đó, cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, quyết đoán và phối hợp của các nhà hoạch định chính sách. Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá không còn là mục tiêu duy nhất.

Chính phủ các nước cần phải dự đoán tốt hơn những hậu quả không lường trước được của hội nhập công nghệ và thực hiện các chính sách xã hội bổ sung hỗ trợ dân cư thông qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Báo cáo cho thấy một số nền kinh tế có năng lực sáng tạo mạnh mẽ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp, hoặc đang nâng cao năng lực sáng tạo như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil (Bra-xin), phải cải thiện nguồn nhân lực cũng như hoạt động của thị trường lao động.

Ngoài ra, các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn có “dư địa” để cải thiện vấn đề quản trị công nghệ. Dựa trên cách thức thích nghi với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số của những hành lang pháp lý ở các quốc gia này, chỉ có 4 nền kinh tế thành viên G20 gia nhập Top 20 của Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2019: Mỹ (thứ 1), Đức (thứ 9), Saudi Arabia (thứ 11) và Vương quốc Anh (thứ 15). Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ 24.

Theo báo cáo trên, tăng trưởng kinh tế bền vững vẫn là con đường chắc chắn nhất để thoát nghèo và là động lực cốt lõi của sự phát triển con người.

Trong thập niên qua, tăng trưởng đã suy yếu và vẫn dưới mức tiềm năng ở hầu hết các nước đang phát triển, cản trở nghiêm trọng nỗ lực hướng tới một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) năm 2030 của Liên hợp quốc.

Môi trường cạnh tranh của năm 2019 không thuận lợi nên các quốc gia, cộng đồng viện trợ và tất cả các bên liên quan cần phải tăng cường nỗ lực khẩn cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục