Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn vào Tết

17:24' - 02/02/2019
BNEWS Với truyền thống hơn 400 năm, bánh tét, bánh chưng làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Gói bánh chưng, bánh tét tại một hộ gia đình ở làng Chuồn. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN 

Mỗi độ Tết đến Xuân về, làng nghề này trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn để cho ra lò những mẻ bánh tét, bánh chưng dẻo, thơm, ngon phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. 

Những ngày này, về làng Chuồn, ngay từ đầu làng đã cảm nhận được hương vị Tết với mùi thơm của nếp và mùi bánh tét, bánh chưng. Gia đình ông Hồ Đắc Cường ở làng Chuồn đã có 3 thế hệ làm nghề gói bánh chưng, bánh tét.

Để kịp cung cấp sản phẩm cho thị trường Tết, năm nay, ngoài 10 thành viên của gia đình, ông còn thuê thêm 8 nhân công đến làm việc. Không khí làm việc rất hăng say, cả gia đình, mỗi người một việc, trẻ con thì lau lá, người lớn thì đãi nếp, làm nhụy, gói bánh, buộc bánh, nấu bánh...
Ông Cường cho biết: Dịp Tết năm nay, gia đình tôi làm hơn 2.000 cái bánh tét, gần 4.000 cái bánh chưng.

Gói bánh chưng, bánh tét tại một hộ gia đình ở làng Chuồn. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Bánh ở làng chúng tôi ngon nên mỗi dịp Tết, khách tìm về mua rất đông. Ngoài việc cung cấp cho các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, bánh còn cung cấp cho các đơn đặt hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng có những ngày, bánh gói không kịp để bán.
Ngày thường, bánh tét làng Chuồn theo chân những người bán lẻ đi khắp nơi trong tỉnh và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, đến vụ Tết thì trở nên nhộn nhịp hơn. Dạo một vòng quanh làng, thấy nhà nào cũng rộn ràng "nổi lửa" cho mùa bánh Tết.

Nhà làm ít cũng gói 2.000 cái bánh chưng, bánh tét, nhà làm nhiều thì khoảng 6.000 - 8.000 cái bánh các loại. Vụ Tết thường bắt đầu từ ngày 24 đến ngày 30 Tết. Giá bánh dịp Tết năm nay dao động từ 30 - 60 nghìn một chiếc bánh tét và từ 25 - 40 nghìn một cặp bánh chưng.
Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn đến với khách thập phương bằng chính hương vị của làng quê. Không những sắc sảo từ hình thức mà còn rất thơm mùi nếp mới, những hạt nếp do chính tay bà con nơi đây trồng.

Những người già kể lại, từ xưa ở làng đã dành khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp. Đất ở đây rất đặc biệt, trồng lúa thì lúa ngon, trồng nếp thì nếp thơm, vị ngọt và dẻo. Hằng năm, dân làng dâng những đặc sản này để tiến vua.

Loại nếp này người ta gọi là nếp Tây và chỉ có làng Chuồn mới có. Nhờ đó mà hương vị bánh của làng Chuồn trở nên hết sức đặc biệt.
Không những thế, bánh tét, bánh chưng ở đây còn nổi tiếng vì có thể giữ được gần ba mươi ngày mà vẫn nguyên mùi vị ban đầu.

Khi hỏi đến bí quyết này, bà Đoàn Thị Nghiệp, gia đình có 4 đời làm bánh tiết lộ, để có được chiếc bánh như vậy, tất cả các công đoạn phải được tiến hành kỹ lưỡng.

Từ khâu chọn nếp đến khâu tạo nhân bánh đều hết sức quan trọng. Nếp được đãi sạch, vớt cho hết bọt rồi trộn với muối, để ráo nước rồi mới đem gói; không được ngâm gạo vì sẽ làm mất vị và nhạt.
Nhân bánh phải chọn thịt mỡ ngon, ra khổ vừa, đậu xanh tròn hạt và đều nhau. Khi gói bánh, người gói phải cột dây vừa đủ độ chặt. Nếu không, khi nấu nước thấm vào bánh sẽ nhanh hỏng.

Lá chuối để gói phải chọn lá chuối sứ vườn không quá già, bản rộng, để khi luộc lên vẫn giữ được màu xanh mà không bị úa.

Đặc biệt, chú ý thời gian từ khi đãi nếp đến khi cho bánh vào nồi để nấu không quá 2 giờ và khi nấu phải đun lửa đều, lửa to đun từ 12 - 15 giờ.
Để phát triển thương hiệu bánh chưng, bánh tét làng Chuồn bền vững hơn cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, ngoài việc giữ gìn hương vị cổ truyền, nhiều gia đình ở đây đã kết hợp công nghệ đóng gói hiện đại, hút chân không để vừa đẹp mắt vừa bảo quản bánh được lâu hơn; liên kết với các công ty thực phẩm để sản xuất với số lượng lớn; tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ vậy mà sản phẩm bánh chưng, bánh tét của làng Chuồn đã có mặt ở các kênh phân phối lớn như siêu thị BigC, Co.opmart cũng như chuỗi cửa hàng thực phẩm trong cả nước.

Không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước, những năm trở lại đây, bánh chưng, bánh tét làng Chuồn còn đi ra nhiều nước trên thế giới, trong đó các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ....
Tết đang về, cả làng Chuồn lại nhộn nhịp, hối hả đưa ra thị trường hàng ngàn cái bánh chưng, bánh tét mỗi ngày.

Phải thức khuya dậy sớm và tốn sức mới có một cái bánh thơm ngon, nhưng người dân xem đây là nghề mưu sinh và giữ nét đẹp truyền thống mà ông cha truyền lại.

Bánh tét, bánh chưng làng Chuồn đã trở thành một món ăn đặc trưng không thể thiếu trong những ngày Tết của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. ../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục