Bamboo Airways tính giá vé bay thẳng tới Mỹ như thế nào để có lãi?

20:09' - 01/08/2019
BNEWS Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay, nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng/chuyến.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

“Bamboo Airways không giấu tham vọng sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ”.

Đây là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn FLC khẳng định tại tọa đàm "Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" do Tập đoàn FLC phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam tổ chức chiều 1/8, tại Hà Nội.

Theo ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, ngay từ những ngày đầu thành lập, hãng đã rất quan tâm đến việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ bởi đây là một đường bay có nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng.

Đây không chỉ là đường bay kết nối hai đất nước nằm ở hai châu lục mà còn là đường bay kết nối hai nền kinh tế đang có rất nhiều tiềm năng hợp tác mà còn khẳng định bước tiến tốt đẹp trong quan hệ giữa chính trị, ngoại giao giữa hai nước, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.

Ông Trương Phương Thành khẳng định, Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ và hoàn toàn tự tin rằng Bamboo Airways có thể thực hiện được mục tiêu này.

Trước đó, ngay sau khi chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh tháng 1/2019, Bamboo Airways đã bắt tay chuẩn bị cho đường bay nhiều thách thức này như tiến hành ký thỏa thuận đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kỹ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lý, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ…

Chia sẻ về bài toán kinh doanh của Bamboo Airways khi quyết định mở đường bay thẳng tới Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay, nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỷ đồng/chuyến.

Ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh, hiện tại, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, Singapore trên dưới 6 triệu người.

Hãng hàng không Singapore Airlines đang đi kiếm khách trên khắp thế giới; trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, nguyên số người gốc Việt ở Mỹ đã bằng nửa dân số Singapore... Chính vì vậy, không có lý do gì nói rằng thị trường Mỹ không có tiềm năng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao bài toán kinh tế của FLC khi không chỉ Mỹ là thị trường tiềm năng của Việt Nam mà Việt Nam cũng đang là thị trường tiềm năng mà Mỹ hướng tới.

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành một công xưởng của các doanh nghiệp FDI thế hệ mới, rất nhiều sản phẩm của công xưởng mới phải vận chuyển bằng máy bay. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không rất lớn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được mệnh danh là bếp ăn thế giới, là 1 trong 18 quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, mở ra rất nhiều tiềm năng cho ngành hàng không.

Đặc biệt, Việt Nam có 2 triệu kiều bào tại Mỹ, nhu cầu bay để về nước của họ rất lớn, cũng như người từ Việt Nam sang Mỹ thăm người thân và ngược lại những người Mỹ đến Việt Nam dưới hình thức thăm lại chiến trường xưa cũng là dòng khách du lịch đáng chú trọng.

Mặt khác, Mỹ là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới, và ngày càng nhiều du hoặc sinh Việt Nam sang Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ cũng là cái nôi của phong trào khởi nghiệp nên thu hút rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ các nước; trong đó có Việt Nam sẽ mở ra tiềm năng rất lớn cho thị trường hàng không, đặc biệt là đường bay thẳng Việt – Mỹ.

Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn đang tiếp tục phát triển, trong đó châu Á-Thái Bình Dương được Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới là 6 đến 7%/năm.

Cùng với đó, thị trường Vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, trong thập kỷ qua bình quân đạt hơn 16%/năm.

Theo ông Châu, hơn 30 năm đổi mới Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, mạng lưới cảng hàng không, sân bay được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới với 10 Cảng hàng không quốc tế và 12 Cảng hàng không quốc nội.

Mới đây Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 16,3 tỷ USD; hệ thống quản lý điều hành bay được hiện đại hóa ngang tầm khu vực và thế giới; đội tàu bay với các hãng vận tải hàng không mới ra đời liên tục mua sắm hàng chục, hàng trăm máy bay mới, trong đó có nhiều máy bay thân rộng, bay đường dài hiện đại.

Không những thế, Việt Nam đã ký kết với các nước trên thế giới hàng chục hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư.

Đặc biệt, các ngành kinh tế như du lịch, xuất nhập khẩu, công, nông nghiệp, văn hóa, thể thao…tiếp tục phát triển không ngừng tạo nên nhu cầu đi lại bằng đường không ngày càng gia tăng.

Đáng lưu ý, ngày 15/2 Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT 1 cho Cục Hàng không Việt Nam, mở ra cánh cửa cho đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường vận tải hàng không đến Mỹ được đánh giá là một thị trường lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700 nghìn lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm.

Riêng năm 2018, số lượt người Việt đi du lịch qua quốc gia này đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, đạt 107.000 người.

Cục Hàng không Việt Nam thông tin, ngay từ khi ngay sau khi Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký tháng 12/2003, các nhà hoạch định chiến lược của ngành hàng không Việt Nam đã phối hợp, xúc tiến xây dựng một kế hoạch khai thác các đường bay đến bờ Tây Hoa Kỳ.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như việc chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.

Tháng 2/2019 vừa qua, Việt Nam đã chính thức nhận chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ.

Việc phê chuẩn CAT 1 đã mở đường cho các hãng hàng không của Việt Nam bay thẳng đến Mỹ và tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên danh giữa các hãng hàng không và nhân dân hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục