Bắc Giang đầu tư 150 tỷ đồng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng

08:39' - 05/03/2019
BNEWS Tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình OCOP) với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng.
Thu hoạch Vải, xử lý vệ sinh, kỹ thuật bảo quản trước khi đóng thùng xốp để chuyển đi tiêu thụ ở huyện Lục Ngạn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Chương trình OCOP) với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng từ các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xúc tiến thương mại và khuyến công; vốn lồng ghép các chương trình và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác...

Đề án nhằm mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của tỉnh đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Sản phẩm thực hiện là hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương bao gồm 6 nhóm hàng: nông sản, thực phẩm tươi sống và sơ chế; đồ uống không có cồn và có cồn; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Toàn tỉnh dự kiến đến năm 2030 có 170 loại sản phẩm OCOP; trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm với 114 loại; các nhóm còn lại là dịch vụ du lịch, bán hàng có 16 loại sản phẩm; lưu niệm, trang trí nội thất 16 loại; thảo dược có 15 loại; đồ uống có 8 loại; vải may mặc có 1 loại; phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế).

Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương; phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP (dự kiến vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế…) đạt hạng 5 sao; đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

Riêng trong năm 2019, tỉnh phấn đấu có ít nhất 15 - 20 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và dự kiến có 30 - 40 sản phẩm trong danh mục các sản phẩm thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, huyện Lục Ngạn tập trung lựa chọn, phát triển các sản phẩm OCOP về cây ăn quả, mỳ Chũ, mật ong; huyện Yên Thế tập trung vào sản phẩm gà đồi, chè xanh Bản Ven; huyện Hiệp Hòa tập trung vào sản phẩm rau cần Hoàng Lương, bưởi Lương Phong...

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; triển khai thực hiện từ 1 - 3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế); triển khai phát triển 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Lục Ngạn.

Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền; đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết hành động của cấp ủy các cấp để chỉ đạo thực hiện; xây dựng bộ máy quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý OCOP, đội ngũ cán bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất kinh doanh tham gia thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay có 93 sản phẩm được xếp vào 6 nhóm, gồm nhóm thực phẩm có 60 sản phẩm; nhóm đồ uống có 8 sản phẩm; nhóm thảo dược có 7 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 8 sản phẩm; nhóm dịch vụ và du lịch nông thôn có 9 sản phẩm.

Theo Quyết định số 1517 ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh, Bắc Giang có 3 nhóm sản phẩm chính là: Sản phẩm chủ lực (8 sản phẩm) gồm: lợn, lúa, vải thiều, gà, cá, rau các loại, cam, lạc. Sản phẩm đặc trưng (14 sản phẩm) gồm: mỳ gạo, gạo thơm Yên Dũng, rượu làng Vân, bưởi, rau cần Hoàng Lương, mật ong, nếp cái hoa vàng Thái Sơn, na Lục Nam, rượu 33 Kiên Thành, bún Đa Mai, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa Kế, chè Yên Thế, nấm Lạng Giang. Sản phẩm tiềm năng (30 sản phẩm) gồm: khoai tây, ngô, nhãn, sắn, khoai lang, dưa hấu, táo, chuối, gạo bao thai Lục Ngạn, chanh, nếp Phì Điền….

Trong số này, tỉnh Bắc Giang có gần 29.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000 - 180.000 tấn mỗi vụ; có 13.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trên 218 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; giá trị sản xuất đạt trên 5.700 tỷ đồng (vụ năm 2018).

Tỉnh hiện có tổng đàn gà lớn đứng thứ hai toàn quốc với quy mô đạt hơn 18 triệu con với sản lượng đạt 34.000 tấn; trong đó, có vùng chăn nuôi tập trung gà đồi Yên Thế - thương hiệu nổi tiếng với vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý; đàn gà thương phẩm của huyện Yên Thế hiện tại đạt 14 triệu con, tổng sản lượng đạt khoảng 23.500 - 28.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng...

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 46 sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tuy nhiên chỉ có một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và một số nước trên thế giới như mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân, vải sớm Phúc Hòa..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục