Bắc Cực – Nơi đọ sức của các cường quốc

06:30' - 20/05/2019
BNEWS Căng thẳng đang gia tăng giữa các nước, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc về cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu và về quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington D.C., ngày 15/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN 

Theo truyền thông Hong Kong, phát biểu trước Hội nghị Ngoại trưởng của Hội đồng Bắc Cực tổ chức tại Rovaniemi, một thành phố ở phía Bắc Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng vì Bắc Cực rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản và thủy sản, khu vực này đã trở thành nơi đọ sức để các cường quốc thế giới tranh giành quyền lực và cạnh tranh.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các nước, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc về cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu và về quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực, vùng đất giàu tiềm năng và có vị thế chiến lược này.

Hội đồng Bắc Cực được thành lập từ năm 1996 với sự tham gia của Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Canada, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ, có nhiệm vụ bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng Bắc Cực. Ngoài ra còn có nhiều nước khác là quan sát viên, trong đó có Trung Quốc giữ tư cách quan sát viên trong cơ quan này từ năm 2013.

Bắc Cực trở nên hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới vì khu vực này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Về mặt địa lý, Bắc Cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt và 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được phát hiện trên toàn thế giới.

Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước “hé lộ”, khiến nhiều loài cá có thể di cư từ phía Bắc xuống.

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc Cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới cũng như khả năng tiếp cận đáy biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực.

Khi những tuyến hàng hải qua Bắc cực được hình thành, người ta cho rằng các tuyến giao thông này sẽ giúp rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay. 

Các chuyên gia hàng hải dự đoán, ngay trong thế kỷ XXI, giao thông hàng hải tại Bắc Băng Dương sẽ gặp thuận lợi ít nhất là vào 4 tháng mùa hè, giúp rút ngắn thời gian so với hành trình qua kênh đào Suez hay Panama.

Tới năm 2030, “tuyến giao thông Biển Bắc” sẽ được thông thương khoảng 9 tháng/năm. Điều này sẽ cắt ngắn thời gian di chuyển hành trình giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez. 

Ngoài việc giảm được thời gian, các tàu chở dầu trọng tải lớn còn tránh được những quy định về kích thước tàu, khiến cho Bắc Cực ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nước có đội tàu siêu trường, siêu trọng. Các đội tàu này đang gặp nhiều khó khăn khi trong tuyến hành trình của mình, họ buộc phải đi qua kênh đào Suez và Panama…

Khi băng tan, việc khai thác tài nguyên của Bắc Cực đang hứa hẹn là cuộc cạnh tranh lớn của nhiều quốc gia. Những năm qua, các quốc gia đã ráo riết cạnh tranh quyền kiểm soát khu vực Bắc Cực, tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để khi băng tan có thể khai thác phần lớn trữ lượng dầu khí còn sót lại của thế giới, cộng với các mỏ khoáng sản khổng lồ như kẽm, sắt và kim loại hiếm.

Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này. Mục đích của các nước trong việc triển khai lực lượng quân sự tại Bắc Cực là muốn khẳng định sự hiện diện quốc gia của họ, hỗ trợ bảo vệ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động thương mại...

Báo "HK01" (Hong Kong) dẫn lời ông Pompeo khẳng định, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực để chống lại các động thái của Trung Quốc và Nga tại khu vực này. Ông cảnh báo rằng sẽ không thể để Bắc Cực biến thành một Biển Đông khác và chỉ rõ rằng Trung Quốc không có bất cứ quyền lợi gì ở Bắc Cực.

Ông chỉ rõ: “Không vì Bắc Cực hoang vu không có người ở mà xem nơi này là nơi không có luật pháp”. Ngoại trưởng Pompeo cho hay, để chống lại tham vọng của các đối thủ cạnh tranh, Mỹ đang “tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ, xây dựng lại các hạm đội phá băng và chi tiền cho Lực lượng bảo vệ bờ biển” ở Bắc Cực.

Hiện nay, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành huấn luyện chống (khí hậu) giá lạnh ở Na Uy, máy bay quân sự Mỹ đã quay trở lại căn cứ không quân Keflavik ở Iceland, vốn đã bị đóng cửa năm 2006. Theo yêu cầu của Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ đề xuất chiến lược phòng thủ Bắc Cực mới trước ngày 1/6.

Trong bài phát biểu của mình, ông Pompeo đã không ngần ngại công kích Trung Quốc và Nga khi tuyên bố: “Từ hành vi mang tính xâm lược của Trung Quốc ở những nơi khác, chúng ta có thể thấy họ sẽ đối xử với Bắc Cực như thế nào”. 

Ông cảnh báo rằng mức nợ quốc gia cao, tình  trạng tham nhũng phổ biến, các dự án đầu tư kém hiệu quả, việc quân sự hóa và khai thác tài nguyên thiên nhiên ...là những hậu quả tiềm tàng của việc bỏ mặc cho Trung Quốc mở rộng  ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng lên án “những hành động khiêu khích” của Nga ở Bắc Cực khi cố gắng quân sự hóa khu vực này. Trong thời kỳ Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền, Nga đã tái khởi động lại một số căn cứ quân sự ở Bắc Cực đã bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

Tám thành viên của Hội đồng Bắc Cực đều có lãnh thổ ở Bắc Cực. Trung Quốc lại là “quan sát viên” của hội đồng này và tự tuyên bố là một “quốc gia gần Bắc Cực”. Tuy nhiên, ông Pompeo đã bác bỏ tuyên bố này. 

Ông nói: “Trung Quốc tự tuyên bố là nước gần Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đến Bắc Cực gần nhất cũng có 900 dặm Anh (1.450 km). Thế giới chỉ có các quốc gia Bắc Cực và quốc gia ngoài Bắc Cực, không tồn tại loại thứ ba, tuyên bố như vậy không cho phép Trung Quốc có bất cứ quyền lợi gì”.

Theo ông Pompeo, từ năm 2012 đến năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Bắc Cực đạt gần 90 tỷ USD. Trung Quốc và Nga cũng hy vọng đưa tuyến đường biển Bắc hòa vào dự án “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Tuyến đường này đi qua miền Bắc nước Nga và có thể rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Phía Mỹ cho rằng các khoản đầu tư này nhằm cạnh tranh ảnh hưởng khu vực. Ông Pompeo khẳng định: “Mỹ và các nước Bắc Cực hoan nghênh đầu tư minh bạch của Trung Quốc. Những khoản đầu tư này nên dựa trên lợi ích kinh tế hơn là tham vọng về an ninh quốc gia”.

Đáp lại bài phát biểu của ông Pompeo, Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề Bắc Cực Cao Phong đã đáp trả. Ông nói: “... Đây là cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ... Chúng ta hãy xem ai có thể giành được nhiều bạn bè hơn”.

Phía Trung Quốc tuyên bố chỉ trích của ông Pompeo về việc Trung Quốc tham gia vào công việc Bắc Cực là “có động cơ”. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Những phê bình chỉ trích của một số cá nhân Mỹ về sự tham gia của Trung Quốc vào công việc Bắc Cực hoàn toàn không phù hợp với thực tế, đi ngược lại xu hướng chung hợp tác hòa bình của Bắc Cực. Đây là những chỉ trích có động cơ đen tối, hoàn toàn làm đảo lộn trắng đen.”

Ông Cảnh Sảng khẳng định Trung Quốc luôn nhất quán với thái độ cởi mở, hợp tác và cùng thắng khi tham gia vào công việc Bắc Cực. Ông nói rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào các vấn đề hoàn toàn thuộc về các quốc gia Bắc Cực. 

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể thiếu trong các vấn đề xuyên khu vực và mang tính toàn cầu của Bắc Cực và có thể và sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục