APEC 2017: Ứng dụng thông tin thời tiết để ứng phó với biến đổi khí hậu

15:20' - 20/08/2017
BNEWS Vviệc sử dụng dữ liệu thời tiết để phục vụ trong canh tác sản xuất là một trong những giải pháp thích hợp nhất với tình hình và nhu cầu hiện tại của nền nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 20/8, hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững” thuộc khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ đã chính thức khép lại.

Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu, chuyên gia và đại diện các nước thành viên APEC và các tổ chức quốc tế liên quan đã tập trung thảo luận, chia sẻ về tác động của thời tiết và khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng; vai trò của thông tin thời tiết, khí hậu đến hệ thống lương thực và làm thế nào để thông tin thời tiết, khí hậu được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng hệ thống sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm khí hậu APEC khẳng định, việc sử dụng dữ liệu thời tiết để phục vụ trong canh tác sản xuất là một trong những giải pháp thích hợp nhất với tình hình và nhu cầu hiện tại của nền nông nghiệp châu Á – Thái Bình Dương, vốn là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Theo đó, dự báo khí tượng chính xác không chỉ giúp nông dân phòng bị, ứng phó với thiên tai mà còn có thể thiết lập kế hoạch sản xuất hiệu quả, khai thác tiềm năng khí hậu, qua đó điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững hơn.

Ví dụ như công tác dự báo nền nhiệt sẽ giúp chủ động trong việc lập phương án canh tác hợp lý; dự báo lượng mưa, khả năng mưa, độ ẩm và độ bay hơi giúp chủ động trong tưới nước, bón phân, làm cỏ; dự báo hướng gió và tốc độ gió giúp chủ động trong phun phân, tưới béo…

Tuy nhiên, theo ông Hong-Sang Jung, hiện nay, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn khá xa lạ với các mô hình trạm khí tượng nông vụ chuyên biệt thu thập dữ liệu theo khu vực lắp đặt, mà chủ yếu phụ thuộc vào những thông số thời tiết chung do các trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cung cấp; không phản ánh điều kiện thực tế của từng địa phương cũng như không đáp ứng được nhu cầu của nông dân về dự báo khí tượng để phục vụ sản xuất chuyên canh.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến mô hình trạm khí tượng nông nghiệp đa năng của Trung tâm khí hậu APEC đến các nước thành viên cũng gặp không ít khó khăn do sự chênh lệch giữa các quốc gia trong kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật và khả năng phân tích, ứng dụng thông số khí hậu, môi trường vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Kết quả là dù được cung cấp cùng một hệ thống dự báo khí tượng nhưng chất lượng dữ liệu thu về tại một số nước lại không đạt tiêu chuẩn, không thể sử dụng trong hoạt động sản xuất thực tiễn.
Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam cho biết, sau 30 năm đổi mới, đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từ giai đoạn khó khăn, thiếu lương thực sau chiến tranh vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu Đông Nam Á.
Trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam cùng các Bộ, ngành hữu quan chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia để ứng dụng hệ thống các trạm thời tiết thông minh giúp theo dõi và dự báo diễn biến thời tiết hiệu quả, phục vụ cho công tác sản xuất của bà con nông dân.
Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng sử dụng, vận hành các thiết bị điện tử thông minh, cũng như nhận thức về tầm quan trọng của khí tượng nông vụ của bà con nông dân còn chưa cao nên việc thí nghiệm các mô hình dự báo khí tượng chưa phát huy hết hiệu quả mong muốn.
Mặt khác, với địa hình 3/4 là đồi núi và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% GDP mỗi năm, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực gắn với nông nghiệp phát triển bền vững đối với Việt Nam càng trở nên cấp thiết.
Thông qua hội thảo, Việt Nam đặt mục tiêu hợp tác lâu dài với các quốc gia thành viên để cùng thực hiện khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn bền vững, tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng có chất lượng.

Đồng thời, tăng cường trao đổi, xúc tiến để thu hút đầu tư và chuyển giao kỹ thuật từ các doanh nghiệp quốc tế vào nông nghiệp Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đầu tư vào các nước trong khu vực nhằm xây dựng chuỗi nông sản theo hướng toàn cầu.

Bên cạnh đó, tập trung huy động tổng nguồn lực của xã hội và đặc biệt là nguồn quản trị trong khu vực nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp trong toàn khối nói chung.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất nhiệm vụ quan trọng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực của khối APEC trong thời gian tới chính là đẩy mạnh tích hợp thông tin thời tiết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tổ chức trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo kiến thức và tay nghề giữa các quốc gia để cùng phát triển một hệ thống dự báo thời tiết nông vụ đồng nhất và toàn diện, vừa có thể bao quát xu thế khí tượng chung theo mùa và năm, vừa dự báo được tình hình khí hậu trong phạm vi khu vực cụ thể.
Đặc biệt ưu tiên mô hình trạm quan trắc thời tiết nông thôn cùng các cánh đồng tham chiếu để thực hiện đo đạc tình hình thời tiết và quan trắc chu kỳ sâu bệnh, qua đó đưa ra những thông tin dự báo có độ tin cậy cao, giúp nông dân sớm có biện pháp phòng ngừa thiên tai, dịch hại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục