APEC 2017: Cần có thêm các văn bản hướng dẫn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

17:40' - 07/11/2017
BNEWS Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của Apollo English tại Việt Nam, về các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Chiều 7/11, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS 2017) tiếp tục diễn ra với các hội thảo chuyên đề về nông nghiệp thông minh, dịch vụ tài chính, y tế và giáo dục, kết cấu hạ tầng, du lịch và đặc khu kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của Apollo English tại Việt Nam. Ảnh: Đào Tùng/Bnews/TTXVN

VBS 2017 là sự kiện quốc tế quan trọng nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng. Bên lề hội nghị, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của Apollo English tại Việt Nam, về các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
BNEWS: Bà đánh giá như thế nào về các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục của Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Kim Dung: Việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam là một vấn đề mà Nhà nước Việt Nam đang rất khuyến khích.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định 73 được ban hành vào năm 2012 và sau 5 năm thực hiện, văn bản này đã bộc lộ một số bất cập.
Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo một nghị định mới để thay thế Nghị định 73 nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, mở rộng và tạo điều kiện cho việc hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn đảm bảo quản lý Nhà nước, mở ra các cơ hội cho các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực như thành lập các cơ sở đào tạo ngắn hạn và thành lập các trường quốc tế tại Việt Nam.

Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi vì, khi họ đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ có văn bản hướng dẫn chính xác và cụ thể họ cần phải đầu tư như thế nào và thực hiện những gì ở Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng và là đầu mối để nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở để căn cứ vào đấy xác định mục tiêu đầu tư, vốn đầu tư và chiến lược đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
BNEWS: Bà có thể cho biết khó khăn lớn nhất mà Apollo English đang phải đối mặt ở Việt Nam? Đó có phải là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các đối thủ đến từ Mỹ, Nhật Bản và các nước có nền giáo dục tiên tiến khác?
Bà Nguyễn Kim Dung: Thực ra, cạnh tranh là đương nhiên trong một môi trường đầu tư. Có sự cạnh tranh mới có sự phát triển. Có sự cạnh tranh thì mới nâng cao được chất lượng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, có sự bất cập đâu đó về chính sách bởi vì, khi thị trường phát triển, đôi lúc chính sách chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.
BNEWS: Theo bà, ngoài việc sửa đổi Nghị định 73, Chính phủ cần làm gì để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục?
Bà Nguyễn Kim Dung: Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn. Hiện tại, mới có Nghị định 73 và sắp tới là nghị định thay thế Nghị định 73 hướng dẫn về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bao hàm rất nhiều lĩnh vực và rất nhiều nhu cầu. Ví dụ như các quy định về đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa.

Trên thế giới, các hình thức giáo dục này đã trở nên phổ biến. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ muốn đem các hình thức giáo dục như vậy vào Việt Nam và họ cũng mong muốn có các cơ chế, chính sách và quy định để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện và áp dụng (các hình thức đào tạo đó) tại Việt Nam, từ đó họ có thể tuân thủ đúng pháp luật của Việt Nam.
BNEWS: Xin chân thành cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục