Áp dụng mô hình quản lý rủi ro tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

11:38' - 15/06/2018
BNEWS Chúng ta cần áp dụng mô hình quản lý rủi ro để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có động lực để tuân thủ tốt các quy định", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Niềm tin của các doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh tiếp tục tăng lên. Ảnh minh họa: TTXVN

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh tập trung rất mạnh vào cải cách thủ tục đối với hàng hoá xuất nhập khẩu; trong đó, nhấn mạnh tới việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng hình thức quản lý rủi ro, thông lệ quốc tế và hiện đại hoá hệ thống quản lý.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc này mới chỉ làm được ở giai đoạn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và chưa tới nơi tới chốn, việc thực hiện không như mong đợi.
“Do đó, chúng ta cần áp dụng mô hình quản lý rủi ro để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có động lực để tuân thủ tốt các quy định. Bởi khi đó, sẽ chỉ có khoảng 5 - 10% doanh nghiệp cũng như nhóm hàng cần tiến hành kiểm tra”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung cũng cho rằng, quản lý Nhà nước dựa trên quản lý rủi ro dù có nhưng cần tạo ra hệ thống, thống nhất. Nghĩa là quản lý này chỉ tập trung vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro, không thể bắt doanh nghiệp chịu nhiều tầng quản lý.
Xuất phát từ thực tế, CIEM liên tục nhận được kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn do sự bất hợp lý của các quy định liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. Điều đáng nói là qua 5 năm ban hành và hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn còn khoảng 23,8% các quy định bất hợp lý về thông quan hàng hoá ở các văn bản pháp lý liên quan của các bộ ngành chưa được sửa.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) cho biết, theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT của Bộ Y tế đã được đặt ra ở Nghị quyết 19/2015 và Nghị quyết 19/2016 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được sửa.
Theo ông Bình, đây được xem là một trong những “nút thắt cổ chai” không chỉ làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá mà còn khiến doanh nghiệp tiêu tốn tiền bạc để làm chứng nhận hợp quy.
Bên cạnh đó, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần dứt khoát đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trong cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, giữa các đơn vị cần có sự phối hợp, liên kết tạo một cơ sở dữ liệu dùng chung, vừa phục vụ hiệu quả cho điều hành, đồng thời công khai minh bạch hoạt động.
Bức xúc với “một mớ” thủ tục hành chính, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, “Nghị quyết 19 đã có cải cách mạnh trong thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng đang có hiện tượng vừa bớt thủ tục này lại phát sinh thủ tục khác”.
Ông Phạm Thanh Bình cho rằng, không khó để liệt kê ra những quy định liên quan gây khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá. Nhưng điều đáng nói ở đây, đã có những quy định được sửa đổi theo tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế triển khai “doanh nghiệp còn tốn kém thời gian và chi phí hơn cả việc kiểm tra trước đây”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục