An Giang đặt mục tiêu có 30 sản phẩm tham gia đề án OCOP

11:59' - 30/07/2019
BNEWS Ngày 30/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030.
Tháp cổ Vĩnh Hưng- kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo được tỉnh An Giang lựa chọn trong nhóm du lịch tham gia đề án mỗi xã một sản phẩm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đề án OCOP tỉnh An Giang nhằm phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, do các thành phần kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện.

Theo đó, An Giang phấn đấu có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên trong giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giai đoạn năm 2018-2020, An Giang sẽ lựa chọn 10 sản phẩm nhóm thảo dược, thực phẩm, du lịch, đồ uống tham gia Đề án OCOP gồm: tinh dầu chúc (huyện Tri Tôn), bánh bò Tân Châu (thị xã Tân Châu), tung lò mò (Tân Châu), du lịch cộng đồng văn hoá (thành phố Long Xuyên), nếp Phú Tân (huyện Phú Tân), du lịch văn hoá Chăm (Tân Châu và An Phú), nhãn Mỹ Đức (Châu Phú), gói sản phẩm từ cây Thốt Nốt (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), xoài 3 màu (huyện Chợ Mới) và tinh bột huyền (huyện Tịnh Biên).
Giai đoạn 2020-2030, An Giang tiếp tục lựa chọn thêm 20 sản phẩm nhóm thực phẩm, du lịch, đồ uống tham gia đề án gồm: gói sản phẩm Đinh Lăng;  cá khô các loại; gói sản phẩm dưa lưới Núi Voi, bánh phòng mì; nhãn xuồng Khánh Hoà; du lịch ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới; tranh khắc gỗ; cá tra phồng; xoài thơm; nước ép xoài 3 màu; rèn Phú Mỹ; bánh phòng Phú Mỹ; sản phẩm từ tầm vong, tre; du lịch văn hoá Óc Eo; mắm Châu Đốc; mộc Chợ Thủ; nước ép trái cây kết hợp với du lịch tâm linh; tinh bột nghệ; sản phẩm từ dâu tầm; sản phẩm từ Atiso đỏ và tranh sử dụng vỏ trứng, vỏ trấu.
PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện các sản phẩm OCOP của An Giang đang gặp những điểm nghẽn cần tháo gỡ như: vốn kinh doanh hạn chế, công nghệ thô sơ, hạn chế trong việc thực hiện liên kết đầu vào - đầu ra, tính hợp tác yếu, nhận thức và năng lực kinh doanh cũng như bảo vệ tác quyền của cơ sở kinh doanh, sản xuất còn hạn chế.

Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, thương hiệu còn hạn chế; doanh nghiệp còn bỏ ngỏ việc liên kết làng nghề truyền thống, đặc thù với sản phẩm du lịch.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang cũng chia sẻ, thời gian qua, tuy được các sở, ngành trên địa bàn tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc thiết bị trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm nhưng lại chưa thường xuyên.

Cùng đó là hạn chế về thị trường, quy hoạch, tạo nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp còn gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... - một số doanh nghiệp phản ánh.
Để triển khai thành công Đề án OCOP trên địa bàn tỉnh, ông Son cho rằng, An Giang cần có giải pháp khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng; xây dựng chiến lược sản phẩm OCOP gắn chỉ dẫn địa lý, phát triển vùng nguyên liệu có kiểm soát; nâng cao kiến thức kinh doanh cho các hộ chế biến thực phẩm và mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm...
Cùng đó, tỉnh cần tập trung xây dựng tuyến điểm du lịch cộng đồng; phát triển thương hiệu sản phẩm; cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh xúc tiến, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Nhiều đại biểu góp ý, An Giang cần lựa chọn sản phẩm khi đưa vào hệ thống OCOP để nổi tính đặc trưng. Sản phẩm đang sản xuất nhỏ, lẻ phải liên kết lại tạo thành sản phẩm lớn. Tỉnh cần có chiến lược tuyên truyền, vận động để tránh làm theo kiểu hình thức, phong trào và thiếu sự theo đuổi.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ nhận xét, Đề án OCOP được xem là một trong những giải pháp phù hợp, cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gắn liền với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp An Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thời gian tới, An Giang tập trung vào hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm OCOP thông qua nhiều hình thức khác nhau; trong đó, chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên tập trung xúc tiến thương mại cho sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao trở lên.

Cùng đó, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh An Giang tại khu vực đông dân cư, phát triển du lịch, trung tâm thương mại./.
Xem thêm:

>>Hà Nội đầu tư 265 tỷ đồng cho Chương trình OCOP

>>Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam: Khó nhất là gì?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục