Ấn Độ rơi vào thế khó do lệnh trừng phạt Iran của Mỹ

07:00' - 02/07/2019
BNEWS Báo Sankei của Nhật Bản mới đây đăng bài viết nhận định rằng Ấn Độ đang phải đau đầu ứng phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Cơ sở lọc dầu tại đảo Khark của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

New Delhi có quan hệ khá sâu sắc với Tehran. Nước này đang tích cực mua dầu thô giá rẻ từ Iran và đã đầu tư một khoản tiền lớn vào cảng Chabahar, một cảng có vị trí chiến lược nằm phía Đông Bắc Iran, cùng nhiều quan hệ kinh tế, chính trị khác. 
Nội các Ấn Độ đã thống nhất quan điểm rằng "Ấn Độ lúc này không có khả năng đoạn tuyệt hoàn toàn quan hệ với Iran”. Tuy nhiên, nếu không làm được điều này, Ấn Độ sẽ rất khó để cân bằng và phát triển quan hệ với Mỹ.
Năm 2016, Ấn Độ đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào cảng Chabahar, dự án hiện đã được triển khai. Các dự án đường sắt, đường bộ sẽ được kết nối với với cảng chiến lược này. Việc đầu tư xây cảng biển Chabahar sẽ giúp Ấn Độ kết nối thương mại với khu vực Trung Á giàu tài nguyên mà không phải đi qua Pakistan – nước được cho đang có thù địch với Ấn Độ
Ngoài ra, đầu tư xây dựng Chabahar cũng nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc - nước đang tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). Năm 2018, tuyến đường biển từ Afganistan đi qua cảng Chabahar đã chuyên chở lượng hàng xuất khẩu trị giá khoảng 740 triệu USD.
Ấn Độ đang triển khai rất nhanh các hạng mục đầu tư tại cảng Chabahar với mong muốn tăng cường kết nối với khu vực Trung Á. Song song với đó là việc tăng cường ngoại giao với các nước trong khu vực này. 
Trong tháng 1/2019 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao giữa Ấn Độ và các nước Trung Á đã được tổ chức tại Uzbekistan. Ngày 30/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mời Thủ tướng Kyrgyzstan, ông Mukhammedkalyi Abylgaziev tới dự lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của mình.
Lệnh cấm mua dầu mỏ từ Iran của Mỹ đang ảnh hưởng mạnh tới Ấn Độ, mặc dù việc đầu tư vào cảng Chabahar nằm ngoài lệnh trừng phạt này. Theo một quan chức ngoại giao Ấn Độ, lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến việc chính thức đưa các hạng mục mới của cảng vào hoạt động bị chậm trễ do khó tập hợp được nhà đầu tư tham gia đấu thầu các hạng mục như quản lý cảng. 
Ấn Độ đã mời thầu nhiều lần, song không thể tập hợp được đủ nhà đầu tư, bởi tất cả đều e ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể mở rộng sang lĩnh vực khác khi căng thẳng có chiều hướng leo thang như hiện nay.
Một khó khăn nữa đối với Ấn Độ là vấn đề dầu thô. Trong tháng 5/2019, Ấn Độ đã nghiêm túc thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran bằng việc đình chỉ toàn diện hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Trung Đông này. 
Trước đó, Iran đã đặc biệt ưu tiên cho Ấn Độ khi dành nguồn vốn riêng đầu tư tàu hàng chuyên xuất khẩu dầu cho Ấn Độ. Đặc biệt, Iran còn chấp nhận Ấn Độ thanh toán bằng đồng rupee (đồng nội tệ của Ấn Độ). Dầu thô Iran đang chiếm tới 30 - 40% lượng dầu mỏ nhập khẩu giá rẻ của Ấn Độ. Vì vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran đẩy Ấn Độ vào tình cảnh khó khăn.
Trong năm tài khóa 2018, Ấn Độ đã nhập tới 24 triệu tấn dầu thô từ Iran, chiếm 10% tổng khối lượng nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ. Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn ba của Ấn Độ, sau Iraq, Saudi Arabia. 
Giải pháp hiện nay mà Ấn Độ áp dụng khi thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ là tăng nhập khẩu dầu thô từ các nước Arab để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt từ Iran. Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng ngày một tăng, lệnh trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục